Không nên đánh đồng giữa huy động và trưng dụng tài sản

ANTĐ - Những ngày gần đây, người dân đã phần nào hiểu rõ quy định CSGT được quyền trưng dụng tài sản trong khi thi hành công vụ mà Thông tư 01/2016/TT-BCA đề cập. Theo cán bộ  của Cục CSGT - Bộ Công an thì không nên đánh đồng giữa huy động và trưng dụng tài sản.

Không nên đánh đồng giữa huy động và trưng dụng tài sản ảnh 1Trong tình huống cấp bách, CSGT có quyền huy động phương tiện để cứu nạn

Không vi hiến và không trái luật

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Thiếu tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát - Cục CSGT khẳng định: “Quy định lực lượng CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật mà Thông tư 01 đề cập là không vi hiến và cũng không trái luật”. Theo Thiếu tá Phạm Việt Công, căn cứ để Bộ Công an ban hành Thông tư 01 trước hết là Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan.

Theo đó, tại khoản 15, Điều 15 - Luật Công an nhân dân quy định: “Công an nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật đối với phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.

Tương tự, khoản 18, Điều 2, Nghị định 106/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng xác định rõ: “Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó; trong tình huống có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, TTATXH được huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an theo định của pháp luật”. 

Thiếu tá Phạm Việt Công nhấn mạnh, căn cứ, cơ sở để ban hành Thông tư 01 của Bộ Công an là rất rõ ràng và hoàn toàn phù hợp với các quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, tại Điều 13 - Luật Công an nhân dân: “Thể chế, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật”. Ngoài ra, ở Điều 38 - Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn phải có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu… 

Như vậy, quy định này hoàn toàn không trái với các quy phạm pháp luật ở các văn bản pháp luật cấp trên. Vì Thông tư 01 của Bộ Công an chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân đã được quy định trong Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, Thiếu tá Phạm Việt Công lưu ý, việc trưng dụng các phương tiện hay nói một cách tổng quát là trưng dụng tài sản phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Điều đó có nghĩa là lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.            

 

Vì lợi ích cộng đồng và lý do công vụ

Thiếu tá Phạm Việt Công cũng cho rằng, không ít người đã nhầm lẫn, đánh đồng giữa việc trưng dụng tài sản và việc huy động phương tiện, kỹ thuật, kể cả con người trong tình thế cấp bách. Thực tế trong quá trình TTKS vẫn luôn xảy ra những tình huống cấp bách trong khi yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối an ninh quốc gia, TTATXH, đấu tranh, phòng chống tội phạm, ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra nên Luật Công an nhân dân và các văn bản luật liên quan đã quy định lực lượng CSGT có thể thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó để cấp cứu người bị nạn, giải quyết ùn tắc giao thông, truy bắt tội phạm hoặc cứu hộ, cứu nạn… 

Đại úy Đỗ Quang Chiến - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền (Cục CSGT) chỉ rõ: đối với trường hợp khi nhận được đề nghị, yêu cầu của lực lượng CSGT trong việc huy động phương tiện, kỹ thuật, nếu tổ chức, cá nhân từ chối hoặc bất hợp tác dẫn tới tình thế cấp bách, khẩn cấp gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo mức độ, tính chất, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi ấy, đối với trường hợp trưng dụng tài sản nếu tổ chức, cá nhân từ chối hoặc bất hợp tác thì không cần phải gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật… Liên quan đến việc trưng dụng tài sản dẫn đến tổ chức, cá nhân bị thiệt hại thì theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, tổ chức, cá nhân sẽ được cơ quan, người có thẩm quyền trưng dụng tài sản bồi thường, bù đắp thiệt hại.

Đối với ý kiến cho rằng, việc CSGT được trưng dụng tài sản dễ dẫn tới hiện tượng lạm quyền, theo Thiếu tá Phạm Việt Công và Đại úy Đỗ Quang Chiến thì: “Rất khó có thể xảy ra hiện tượng này. Bởi như đã nói, CSGT chỉ được thực hiện quyền trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an”. Mặt khác, khi thực hiện nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm TTATGT, lực lượng CSGT phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; có kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch để nhân dân dễ nhận biết và giám sát… Quy định CSGT được trưng dụng các loại phương tiện, kỹ thuật và người sử dụng, điều khiển các loại phương tiện, kỹ thuật tương ứng mà Thông tư 01 đề cập không gì khác là vì lợi ích cộng động và lý do công vụ.