Không mặn mà với thi học sinh giỏi quốc gia
(ANTĐ) - Do tình hình thiên tai khắc nghiệt cùng nhiều biến động thị trường, Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 THPT năm học 2008-2009 được Bộ GD-ĐT lui lại đến ngày 25-2-2009. Tuy nhiên không như mọi năm, việc thi học sinh giỏi năm nay của các trường chuyên, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM không được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm...
Thi học sinh giỏi Quốc gia hàng chục năm qua là niềm mơ ước của bao gia đình, bao thế hệ học sinh. Được đi thi học sinh giỏi, nếu đoạt giải, được xét tuyển thẳng vào đại học, được tuyển đi thi học sinh giỏi quốc tế, được du học nước ngoài bằng kinh phí Nhà nước... Quá nhiều ưu đãi cho những học sinh xuất sắc và con đường sự nghiệp vô cùng hanh thông, thuận lợi.
Một cựu chuyên toán Đại học Sư phạm, ông Phạm Thanh Bình cho biết: Khoảng 20 năm trước, chúng tôi được những thầy cô giáo giỏi nhất trường chuyên Hùng Vương, Phú Thọ rèn luyện thành “tinh” để đi thi học sinh giỏi, khi đoạt giải Quốc gia rồi được tuyển thẳng vào đại học. Hồi ấy cũng chỉ biết học, sau mới thấy khi chúng tôi ra trường, đi làm, rất bỡ ngỡ, mãi mới thích ứng được cuộc sống thường ngày.
Nhưng chúng tôi còn may hơn nhiều bạn bè khác, không được tuyển đi thi, khó xin việc vì hồ sơ không “xuất sắc”. Trần Thu Huyền, cựu học sinh trường THPT chuyên tỉnh Thái Bình thi học sinh giỏi Quốc gia cho rằng, với những học sinh giỏi, việc tuyển thẳng các em vào đại học là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực mà các em phấn đấu. Con đường đến vinh quang là một hành trình khổ luyện đầy cay đắng.
Bởi để được tham gia đội tuyển thi cấp Quốc gia, các em phải trải qua vòng tuyển chọn cấp trường, cấp tỉnh, thành phố, rồi lại “cạnh tranh” với hàng nghìn bạn để chọn 10 em... Các em xứng đáng là tài năng trí tuệ của đất nước. Một số không đỗ, các em cũng chỉ có 1 tháng “đuổi” những kiến thức đã bị hổng để chuẩn bị kỳ thi tuyển ĐH-CĐ.
Nhưng từ năm 2007, việc bỏ tuyển thẳng đại học đối với học sinh giỏi quốc gia khiến nhiều người không còn mặn mà với kỳ thi thuộc diện danh giá nhất của ngành giáo dục này. Đặng Thu Mai, học sinh lớp 11 chuyên Lý trường ĐHQG tâm sự: Kể cả việc Bộ GD-ĐT cộng điểm cho học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố hoặc cấp Quốc gia cũng không còn nhiều sức hút đối với chúng em. Khi vào đội tuyển, ôn luyện rất vất vả, đúng là thành gà nòi song kể cả khi thi đoạt giải Quốc gia, quốc tế, đến kỳ thi đại học, đôi khi lại trượt vì các môn khác do không đủ thời gian ôn luyện.
Vì thế, một thực tế khá buồn đang xảy ra ở nhiều trường chuyên, lớp chọn là học sinh giỏi, cứ đến lớp 11, 12 thì làm đơn xin ra khỏi lớp chuyên, hoặc vào đợt thi chọn học sinh thi giải Quốc gia là ốm, bỏ thi, hoặc làm bài dưới sức để… trượt.
Ông Đặng Văn Dương, phụ huynh học sinh chuyên Lý ĐHQG cho biết: Bộ GD-ĐT không còn ưu tiên nhiều cho học sinh giỏi Quốc gia, nên nhiều gia đình đã khuyên con tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học.
Nếu học tập tốt thì xin học bổng để du học khá dễ. Cũng theo ông Dương, hiện nhiều trường đại học quốc tế nhất là ở cùng khu vực ĐNA rất coi trọng những học sinh giỏi của Việt Nam nên họ sẵn sàng tuyển thẳng, cấp học bổng và có thể có cơ hội làm việc.
Vì thế, chuyện nhiều học sinh giỏi “lờ” kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia là dễ hiểu. GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh khẳng định, gần đây các trường không còn ham kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia vì điều đó không đánh giá hết chất lượng của trường.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia 2007-2008, cả nước có 1.568 học sinh đoạt giải trên tổng số 3.645 học sinh tham dự ở 11 môn thi, trong khi con số này trong năm 2006-2007 là 1.635/3.744 học sinh.
Trước, đạt giải ở kỳ thi Quốc gia, học sinh sẽ thi quốc tế, có suất du học nước ngoài và nghiễm nhiên có việc làm ở cơ quan Nhà nước. Nay, học bổng du học từ các nguồn rất nhiều dành cho những thủ khoa đỗ đầu các kỳ thi tuyển sinh đại học. Điều này cho thấy, việc đỗ đầu đại học quan trọng hơn đỗ ở các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
Thạc sỹ Nguyễn Quý Sửu, một chuyên gia đào tạo chuyên Văn của ĐHQG nhìn nhận: Với một học sinh giỏi, khả năng giành ngôi thủ khoa không khó, công sức bỏ ra lại không vất vả bằng thi học sinh giỏi Quốc gia. Mặt khác, số học sinh giỏi Quốc gia trước đây được tuyển thẳng vào đại học chỉ chiếm 1% số thí sinh trong khi tỷ lệ thí sinh gian lận thi cử trong thi tuyển sinh lớn hơn rất nhiều...
Đây là bất cập dẫn đến học sinh giỏi “tự ái” với kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Tất nhiên việc thi này cũng làm mất sức cả thầy lẫn trò khi học sinh được “luyện” trước những dạng bài, kiểu đề, kỹ năng tương đương với… chương trình đại học năm thứ hai, song cũng không thể làm tài năng của các em bay xa hơn những kỳ vọng mà chúng ta gửi gắm. Có lẽ đó là nguyên nhân, tại sao kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lại không được nhiều học sinh, phụ huynh và cả các thầy cô giáo mặn mà.
Bảo Lâm