Không hạn chế, gây khó dễ cho người tự ứng cử

ANTĐ - Cuối tuần này (ngày 13-3) là thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cùng với danh sách những người ứng cử được giới thiệu (theo cơ cấu phân bổ), dư luận cũng rất quan tâm đến những người tự ứng cử. Chiều 10-3, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về vấn đề này.

Không hạn chế, gây khó dễ cho người tự ứng cử ảnh 1

- PV: Ông có thể cho biết tiến trình cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 đang được thực hiện đến đâu?

- Ông Nguyễn Văn Pha: Tiến trình bầu cử phải trải qua 3 vòng hiệp thương với 5 bước. Hiện chúng ta đang ở bước 2, tức những người được giới thiệu ứng cử cũng như người tự ứng cử hoàn thiện hồ sơ để nộp về Ủy ban bầu cử các cấp tương ứng. Ngày 13-3 tới là hạn cuối cùng nhận hồ sơ người ứng cử.

Khi đó sẽ chuyển sang bước 3, tổ chức hội nghị hiệp thương lần 2 (dự kiến Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ hiệp thương lần 2 vào ngày 17-3, MTTQ các cấp hiệp thương lần 2 từ ngày 15 đến 18-3) để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đủ điều kiện.

Sau đó, sẽ chuyển hồ sơ những người ứng cử này để tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú (bước 4). Bước cuối cùng là tổ chức hiệp thương lần 3 để thỏa thuận lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp để nhân dân bầu.

- Ông có thể chia sẻ đến thời điểm này số lượng người tự ứng cử ra sao, tăng hay giảm so với các cuộc bầu cử nhiệm kỳ trước?

- Hiện báo cáo thống kê chưa đầy đủ nhưng số lượng người tự ứng cử có tăng hơn nhiệm kỳ trước. Hai địa bàn thu hút nhiều người tự ứng cử là Hà Nội và TP.HCM. 

- Có ý kiến lo ngại về việc người tự ứng cử bị phân biệt đối xử, hay số người tự ứng cử nhiều nhưng tỷ lệ trúng cử lại ít? Ý kiến của ông về nhận xét này?

- Tôi có thể nói rằng người tự ứng cử còn có nhiều điểm thuận lợi hơn so với người được tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử. Nếu như ở các nhiệm kỳ trước, người tự ứng cử phải liên hệ với Sở Nội vụ các tỉnh,  thành phố (nơi mình ứng cử) để có được hồ sơ tự ứng cử thì ở nhiệm kỳ này họ chỉ cần lên mạng internet, vào trang website của Hội đồng bầu cử Quốc gia là có thể tải về hồ sơ tự ứng cử.

Hơn nữa, nếu như người được giới thiệu ứng cử phải trải qua khâu lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc thì người tự ứng cử chỉ cần tự nộp hồ sơ. Nếu qua xem xét, nghiên cứu hồ sơ, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố nhận thấy hồ sơ của người tự ứng cử đã hoàn chỉnh, không có khúc mắc gì thì khi đó hồ sơ của họ sẽ được giới thiệu để MTTQ hiệp thương một cách bình đẳng với hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử.

Tôi cũng xin khẳng định, trong hiệp thương không có vùng cấm, không có chuyện hạn chế, gây khó dễ với người tự ứng cử. Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét tất cả các điều kiện liên quan, nếu đủ điều kiện sẽ đưa vào danh sách người ứng cử chính thức. Lúc này, quyền quyết định cuối cùng thuộc về cử tri. 

Không hạn chế, gây khó dễ cho người tự ứng cử ảnh 2

Người dân bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016

- Khi hiệp thương, Ủy ban MTTQ có giải pháp gì để lập ra được danh sách người ứng cử ưu tú nhất?

- Chất lượng người ứng cử không hoàn toàn phụ thuộc vào Ủy ban MTTQ. Ngay từ khâu đầu tiên, nếu các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử càng chọn được những người ưu tú, đảm bảo đủ số dư theo quy định thì khi hiệp thương càng đảm bảo chất lượng cao hơn. Với người tự ứng cử cũng vậy. Ủy ban bầu cử các cấp cũng phải làm việc nghiêm túc.

Ngay cả việc vận động ứng cử cũng được quy định rất chặt chẽ, trong đó nghiêm cấm người ứng cử không được phép dùng tiền bạc, hứa hẹn quyền lợi để dụ dỗ, mua chuộc cử tri. Hay khi vận động ứng cử qua truyền hình, phát thanh cũng phải đảm bảo yếu tố thời lượng dành cho mỗi người ứng cử bằng nhau, không vì một người chức to hơn nên được nói trên truyền hình nhiều hơn những người ứng cử khác ở cùng điểm ứng cử.

- Gần đây khi danh sách một số người tự ứng cử ĐBQH được tiết lộ, nhiều ý kiến dư luận trái chiều xuất hiện, chẳng hạn: người tự ứng cử vì muốn nổi tiếng, tự ứng cử vì muốn thử xem dân chủ thế nào? Ông có ý kiến gì về những thông tin này?

- Tôi muốn nói rằng, những người tự ứng cử phải suy nghĩ thật sự nghiêm túc về việc này, nghiên cứu thật kỹ luật và đối chiếu xem mình có thực sự đủ tiêu chuẩn hay không, cùng đó cũng phải cân nhắc xem mình có đủ điều kiện để thực hiện trách nhiệm người ĐBQH, đại biểu HĐND nếu trúng cử hay không. Một nhiệm kỳ 5 năm, người dân, các cơ quan, tổ chức… có rất nhiều thời gian để “soi” các ĐBQH, đại biểu HĐND, nếu có khuất tất mà bị phát hiện, bãi nhiệm thì là điều đáng buồn.

- Cảm ơn ông!