Không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu

ANTĐ - Chiều 16-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu Quốc hội.

Phát biểu đầu tiên, đại biểu (ĐB) Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nói: “Tôi thống nhất bổ sung thêm nhóm đối tượng đóng BHXH. Song cần có chế tài mạnh kèm theo để tránh tình trạng nhờn luật, trốn đóng BHXH... Tôi cũng đồng ý điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng theo cách tính mới, để đảm bảo cân đối quỹ lương hưu trí”.

Cũng đồng ý mở rộng đối tượng đóng BHXH, song ĐB Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) cho rằng: “Cách tính lương hưu mới chưa phù hợp, sẽ ảnh hưởng tới đời sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ trong bộ máy Nhà nước. Lương hưu hàng tháng sẽ giảm, không hướng tới mục tiêu an sinh xã hội lâu dài. Nên giữ nguyên như hiện hành và xem xét vấn đề này khi sửa đổi các luật khác…”

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Nguyễn Quang Cường cho rằng, tuổi nghỉ hưu đã được quy định rõ ở Bộ luật Lao động: “Vừa sửa đổi Bộ luật Lao động, nay lại sửa quy định này là luật đè lên luật khác. Luật “con” mâu thuẫn luật “mẹ”.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đồng tình: “Việc nâng tuổi hưu là cần xem xét điều chỉnh. Bộ luật Lao động có quy định nhưng chưa được hướng dẫn. Phải khẩn trương hướng dẫn để thực hiện chứ không nên điều chỉnh tuổi hưu ở dự luật BHXH”.

Nhiều ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại đòi hỏi tuổi nghỉ hưu sớm

ĐB Nguyễn Thanh Nhơn (Bình Dương) lên tiếng: “Tuổi hưu theo Bộ luật Lao động vừa có hiệu lực, không rõ vì sao vấn đề này lại được đưa vào dự luật BHXH. Lập luận của ban soạn thảo chưa thuyết phục. Hàng triệu lao động ngành da dày, dệt may có được tính đến khi lập phương án tăng tuổi hưu? Tôi cho rằng nên dừng phương án tăng tuổi hưu.”

ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cũng không đồng tình: “Không nên lấy thông số bảo đảm an toàn cho quỹ hưu trí để tăng tuổi hưu. Trước mắt, nên thực hiện đúng như Bộ luật Lao động quy định”… ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng phản đối: “Không nên vì không quản lý được quỹ BHXH mà phải tăng tuổi nghỉ hưu”.

ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) băn khoăn: “Tăng thời gian đóng BHXH mới được hưởng lương hưu là chưa nên. Việc tăng thời gian đóng BHXH phải đồng bộ với tuổi nghỉ hưu. Có rất nhiều lý do dẫn tới mất cân đối quỹ lương hưu chứ không phải do thời gian đóng BHXH ngắn. Ngoài ra, nếu tăng tuổi hưu, sẽ hạn chế việc làm và giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ.”

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) bình luận: “Đề xuất tăng tuổi hưu là sáng kiến, song việc này không phù hợp với Bộ luật Lao động. Không cẩn thận thành lợi bất cập hại!”

ĐB Y Khút Niê (Đắk lawsk) phân tích: “Nên giữ nguyên như quy định hiện hành bởi áp dụng là trái với Bộ luật Lao động và ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động”. Ông Y Khút Niê cũng cho rằng, cách tính lương hưu mới sẽ làm mất tính ưu việt của bảo hiểm xã hội. “Giả sử người lao động có lương hưu hiện hành là 2,6 triệu đồng, nếu tính theo luật mới, tiền lương mất đi 2%, tới năm 2020 sẽ mất đi 10%. Nếu do cân đối quỹ mà cắt giảm lương hưu là không thuyết phục. Hơn 11.000 nghìn tỷ đồng BHXH đang bị nợ đọng mới là nguyên nhân chính dẫn tới mất cân đối chứ đâu phải do người lao động? Nên giữ nguyên như hiện hành mới đúng” – ĐB Y Khút Niê nói.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng không đồng tình nâng tuổi hưu: “Tuổi thọ có tăng song sức khỏe đâu có được cải thiện nhiều. Với tuổi 60, sức khỏe suy giảm, sức ỳ lớn, thiếu sáng tạo. Nếu có làm thêm thì là y bác sỹ, giảng viên chứ đâu phải ngành nghề nào cũng vậy. Hàng năm, ta có 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, trong đó, có hơn 400.000 lao động có trình độ, tuổi trẻ có kiến thức, hoài bão, được tin tưởng, và giữ độ tuổi lao động cũng là tạo điều kiện cho lớp trẻ”.