Không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân

ANTD.VN - Đây là quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến.

Không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân ảnh 1

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp (công nhân)

Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra lấy ý kiến lần 2 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó một số nội dung như tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm… với nhiều điều chỉnh so với dự thảo lần 1.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án tiếp tục giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Tuy nhiên, ở phương án tăng tuổi nghỉ hưu, thay vì đề xuất áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu ngay khi luật có hiệu lực như dự thảo lần trước, lần này Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chỉ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021.

Thời gian tăng tuổi hưu cũng nhanh hơn, cụ thể, từ năm 2021, với lao động trong điều kiện bình thường, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (thay vì mỗi năm tăng 3 tháng như dự thảo lần 1), cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên (nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan đại diện người lao động đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách tăng tuổi hưu đồng loạt. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

“Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực lao động gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp (công nhân) không thể tăng”, ông Chính nói.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của khu vực lao động trực tiếp phải căn cứ vào điều kiện làm việc, sức khỏe. Ngay trong khu vực sự nghiệp cũng có một số ngành nghề khó tăng tuổi nghỉ hưu như giáo viên mầm non, y tá…

Cũng theo ông Mai Đức Chính, lý do ban soạn thảo đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như để bảo đảm an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội, dân số Việt Nam đang già hóa… là chưa thuyết phục.