Không đo kết quả hoạt động tình nguyện bằng thời gian tham gia

ANTD.VN - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng tham gia hoạt động tình nguyện thường xuyên sẽ bồi đắp được tinh thần vì cộng đồng, rèn luyện bản thân trở thành người biết chia sẻ, biết cống hiến, biết dấn thân.

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đối thoại với đoàn viên, thanh niên

Sáng nay (21-3), Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã có buổi đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên cả nước, với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”.

Không đo kết quả tình nguyện bằng thời gian

- Bạn Nguyễn Thu Giang, Đoàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, có phải cứ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thì sẽ trở thành một thanh niên tốt không?

- Anh Lê Quốc Phong: Tôi cho rằng tham gia tình nguyện thường xuyên sẽ bồi đắp cho đoàn viên, thanh niên tinh thần trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng, rèn luyện được nhiều kỹ năng, trở thành người tốt. Điều bạn đang nghĩ và đang đặt mục tiêu, bạn đang phấn đấu trở thành con người biết chia sẻ, biết dấn thân vì cộng đồng thì sẽ là người tốt. Tôi mong bạn, cũng như các bạn trẻ khác, tham gia hoạt động tình nguyện nhiều hơn.

- Cùng quan tâm đến vấn đề trên, sinh viên Hoàng Thu Thủy, khoa Tin học trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, hỏi: Tôi thấy hoạt động tình nguyện tại trường học tương đối dễ tổ chức, khi đoàn viên là các bạn học sinh, sinh viên nhiệt huyết và hăng hái với phong trào. Tuy nhiên, tại không ít cơ quan, đoàn viên lại bận rộn với việc chuyên môn, bận rộn việc gia đình, nên hoạt động tình nguyện được triển khai chưa hiệu quả. Anh đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Anh Lê Quốc Phong: Học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn tích lũy kiến thức nên ngoài nhiệm vụ học tập thì thời gian còn lại tham gia hoạt động của đoàn, xã hội thoải mái hơn và có nhiều không gian hơn so với các đối tượng khác. Vì vậy, các chiến dịch của Đoàn Thanh niên thường tập trung các đối tượng này và có các hoạt động dài, tập hợp lực lượng đông.

Đối với khu vực đối tượng khác, đây là hoạt động phát huy tinh thần tự nguyện nên phù hợp. Do đó, Đoàn cũng có phương thức linh hoạt phù hợp đối với đối tượng thanh niên này. Chẳng hạn như chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng” dành cho công nhân và cán bộ, công chức chủ yếu được tổ chức vào kỳ nghỉ cuối tuần.

Trong các chiến dịch này, các bạn đoàn viên dành kỳ nghỉ để hỗ trợ, giúp đỡ cộng với những hoạt động cụ thể.

Chúng tôi không đo kết quả tình nguyện bằng thời gian tham gia, hay tham gia đông hay ít, mà đo bằng hiệu quả công việc, giá trị mang lại, góp sức của từng bạn để có thể thúc đẩy sinh viên.

Các hoạt động tình nguyện của chúng ta chỉ mang lại giá trị tích cực khi nó đáp ứng được, giải quyết được khó khăn cụ thể trong đời sống của người dân. Đó là mong muốn và hướng thúc đẩy của chúng tôi trong hoạt động tình nguyện.

Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp

- Bạn Ngô Hải Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đặt câu hỏi, hiện nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, việc kêu gọi đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn cũng như đoàn kết tập hợp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khu vực nông thôn. Với cương vị là thủ lĩnh Đoàn thanh niên, anh có giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?

- Anh Lê Quốc Phong: Ngày nay do điều kiện mưu sinh nên tại nhiều địa phương, số lượng đoàn viên giảm sút. Nhiều nơi đoàn viên đi làm ăn xa nên các Đoàn cơ sở không đủ lực lượng tổ chức hoạt động của mình.

Ban chấp hành Trung ương Đoàn cũng nhận thức rằng phải có trách nhiệm định hướng các hoạt động tại các địa phương này. Vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đoàn đã ban hành kết luận, trong đó có hướng làm sao để kết nối giữ được sợi đây liên hệ với đoàn viên, dù là trên địa bàn hay làm ăn xa. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc kết nối không khó, và việc giữ liên hệ có thể chia sẻ thông tin, nắm bắt đời sống của các đoàn viên, đồng thời chia sẻ hoạt động của Đoàn mình.

- Đoàn viên Phan Nguyễn Lam Giang, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh: Bên cạnh những lợi ích internet, mạng xã hội mang lại, cũng có những mặt tiêu cực đi kèm như tạo nên trào lưu sống ảo; dễ bị ảnh hưởng trước các thông tin sai lệch, xấu, độc… từ đó xa rời giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật. Để nâng cao kỹ năng tham gia mạng xã hội an toàn, lành mạnh cho thanh niên, Trung ương Đoàn sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới?

- Anh Lê Quốc Phong: Đây là vấn đề Trung ương Đoàn đang rất quan tâm. Chúng tôi đã có nhiều giải pháp để triển khai, giúp thanh niên có kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề quan tâm của tổ chức Đoàn, Hội, mà còn là sự quan tâm chung của xã hội.

Trung ương Đoàn đã có cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Qua việc này, Trung ương Đoàn mong muốn trang facebook cá nhân ngoài chia sẻ đời sống cá nhân, gia đình, kết nối bạn bè thì các bạn dành thơi gian chia sẻ với nhau về những hành động đẹp, tích cực trong xã hội.

Đó có thể là những hành động, mỗi câu chuyện trên giảng đường hay trên đường đến trường, mà giúp bạn thay đổi suy nghĩ, để hành động tích cực.

Tôi tin nếu các bạn làm điều này thì 24 triệu thanh niên Việt Nam hiện nay sẽ làm được nhiều điều tích cực trong xã hội. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là thanh niên, đoàn viên có bản lĩnh trước thông tin xấu, phải biết đâu là thông tin đủ, đúng và biết cách hành xử khi tiếp nhận thông tin trên mạng.