Thi tốt nghiệp THPT năm 2009:
Không để thí sinh bỏ thi vì tổ chức theo cụm
(ANTĐ) -Sau nhiều băn khoăn của các địa phương về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngày 10-4, Bộ GD-ĐT chính thức công bố hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GDĐT phải hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ nhưng phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng thí sinh bỏ thi vì lý do tổ chức thi theo cụm trường.
Tăng cường thanh tra ở các điểm thi lẻ |
Bố trí 2 phòng thi 1 thanh tra ở điểm thi lẻ
Năm 2009, các địa phương tổ chức thi theo cụm 3 trường. Mỗi cụm trường gồm ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên; hoặc thành lập cụm thi hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (khối giáo dục thường xuyên xếp xáo trộn, nhưng vẫn riêng một khối). Đây là yêu cầu tối thiểu; ghép được càng nhiều trường trong một cụm trường càng tốt; hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ.
Sẽ có 3 lực lượng thanh tra giám sát thi tốt nghiệp THPT 2009 Ngày 10-4, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Chiến đã công bố công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT 2009. Theo đó, sẽ có 3 lực lượng thanh tra cùng tham gia giám sát kỳ thi. Về phía địa phương, cứ 15 phòng thi sẽ có ít nhất 1 thanh tra Sở GD-ĐT cố định. Ngoài ra, còn có thanh tra lưu động của Sở GD-ĐT tới các hội đồng coi thi để kiểm tra đột xuất, nắm bắt tình hình ở những nơi khó khăn về cơ sở vật chất, địa điểm không an toàn, dễ xảy ra sự cố. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, Bộ GD-ĐT tiếp tục điều động cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ tham gia thanh tra, giám sát công tác in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo tại các tỉnh, thành phố. Mỗi thanh tra Bộ GD-ĐT phụ trách một số phòng thi, khu vực hành lang xung quanh để giám sát với quy định mới giám thị ngoài phòng thi, công an, bảo vệ, nhân viên phục vụ không được vào khu vực hành lang phòng thi và xung quanh phòng thi khi thí sinh đang làm bài, trừ trường hợp cần thiết do Chủ tịch HĐCT cho phép. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra Bộ hoạt động độc lập, không làm thay công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi của địa phương. Khi xảy ra những sự việc phức tạp mà ý kiến của cán bộ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra không thống nhất với ý kiến của địa phương thì lập biên bản, ghi rõ kiến nghị và báo cáo về Thanh tra Bộ. Trong khi chờ ý kiến giải quyết của Bộ, mọi công việc vẫn tiến hành theo sự điều hành của địa phương, không được để ảnh hưởng đến công việc của các hội đồng thi. Duy Anh |
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các địa phương phải bố trí địa điểm thi sao cho thí sinh đi lại thuận tiện, không đi quá xa, mất nhiều thời gian đi lại, hạn chế phải đi qua các địa bàn giao thông phức tạp như những nơi thường xảy ra tai nạn trên đường bộ, cầu phà, đò qua sông. Các địa phương cần đáp ứng việc ăn, nghỉ đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu.
Địa điểm thi phải đảm bảo về cơ sở vật chất, an toàn cho kỳ thi. Trước ngày 12-4, Giám đốc Sở GD-ĐT lập danh sách các cụm trường để báo cáo Bộ và trước ngày 15-4 báo cáo UBND tỉnh, thành phố quyết định tổ chức thi theo cụm trường.
Để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan trong kỳ thi này, Bộ quy định, đối với các cụm thi từ 3 trường trở lên thì bình quân 6 phòng thi có 1 thanh tra của Bộ. Các cụm thi có 2 trường sẽ bố trí bình quân 5 phòng thi có 1 thanh tra của Bộ. Riêng các trường thi riêng lẻ thì cứ 2 phòng thi có 1 giám thị điều động từ trường đại học.
Lưu ý làm bài thi trắc nghiệm
Năm nay các thí sinh sẽ dự thi 3 môn thi trắc nghiệm. Để làm tốt bài thi, Bộ đã hướng dẫn những điểm thí sinh phải lưu ý trong quá trình dự thi. Theo đó, chỉ khi tất cả thí sinh trong phòng thi đều đã nhận được đề thi, được sự cho phép của giám thị, thí sinh bắt đầu xem đề thi, kiểm tra đề thi để đảm bảo: Đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.
Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô bằng bút chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN). Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, thí sinh phải ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.
Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về. Khi phát hiện thí sinh làm bài sai quy cách phải nhắc thí sinh sửa chữa. Không cho thí sinh ra ngoài trong suốt thời gian làm bài, trường hợp quá cần thiết phải ra ngoài thì phải báo cho giám thị ngoài phòng thi xử lý. Giám thị phải thu lại đề thi và phiếu TLTN trước khi cho thí sinh ra ngoài.
Chuyển bài thi tự luận trước ngày 6-6
Theo quy định mới áp dụng năm nay, các bài thi tự luận sẽ được chuyển cho các tỉnh khác chấm thi. Do vậy, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn khá kỹ lưỡng cả việc làm bài thi lẫn chấm thi trắc nghiệm. Để thực hiện chấm chéo, Bộ yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT thành lập Hội đồng chấm thi; thành lập tổ công tác chuyển bài thi tự luận và chuyển kết quả chấm thi tự luận cho tỉnh khác trước ngày 1-6. Hội đồng chấm thi sẽ nhận bài thi tự luận kèm theo cơ sở dữ liệu của tỉnh khác trước ngày 6-6 và chấm thi tự luận.
Trước ngày 17-6, các địa phương gửi kết quả bài thi và đĩa CD chứa các file dữ liệu kết quả bài thi các môn tự luận cho Sở GD-ĐT sở tại để chuyển cho Sở GD-ĐT có bài tự luận. Trước ngày 18-6 các Sở GD-ĐT nhận kết quả chấm bài thi tự luận của tỉnh mình, tổ chức ghép điểm với bài thi trắc nghiệm và xét tốt nghiệp theo phần mềm quản lý thi; tổng kết công tác chấm thi.
Chậm nhất đến ngày 18-6, các Hội đồng chấm thi xét và đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT sơ duyệt kết quả tốt nghiệp, công bố kết quả tạm thời của kỳ thi. Trước ngày 25-6 phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.
Bảo Anh