Không để phát sinh thêm nhà siêu mỏng, siêu méo

ANTĐ - Ngày 12-5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Tây Hồ và UBND quận Ba Đình về việc chấp hành pháp luật quản lý trật tự xây dựng đô thị, xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. 

Rất nhiều khó khăn

Báo cáo từ các quận cho biết, việc xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại từ trước ngày 15-3-2005 (trước khi có Quyết định số 39/2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 21 của Luật Xây dựng có hiệu lực) trên các tuyến đường gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, trên địa bàn quận Ba Đình, hiện vẫn còn 68 trường hợp phải xử lý và trên địa bàn quận Tây Hồ là 23 trường hợp.

Theo UBND quận Ba Đình, hiện các công trình này đã được các hộ dân sử dụng trong thời gian lâu dài, ổn định, là nơi ở, kinh doanh đảm bảo điều kiện sống nên trong quá trình khảo sát đã có đơn thư và chưa đạt được sự đồng thuận của các hộ dân khi lên phương án thu hồi.

Không để phát sinh thêm nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 1

Một dãy nhà siêu mỏng phát sinh trên đường mới mở Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Thuần Thư

                                        

Mặt khác, trong quá trình vận động nhiều hộ dân có nguyện vọng được hợp thửa, cải tạo chỉnh trang để được tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, sau đó lại phát sinh vấn đề trong việc thỏa thuận dẫn tới kéo dài thời gian.

Ông Nguyễn Phong Cầm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, tới nay, chưa có giải pháp nào thực sự khả thi. Giải pháp thu hồi, GPMB sẽ đòi hỏi kinh phí và nhà tái định cư. Việc hợp thửa, hợp khối cũng không đơn giản vì nhà phía sau không đủ sức mua. 

Phòng ngừa phát sinh mới

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến đường mới mở đang có nguy cơ hình thành các công trình siêu mỏng, siêu méo. Một số diện tích nhỏ chưa bị thu hồi ở mặt tiền được người dân rao bán với mức giá hàng tỷ đồng. 

Ví dụ như trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên, người đi đường rất ngạc nhiên trước “quảng cáo” rao bán rẻo đất dài 10,08m nhưng chỉ rộng 14cm. Một hộ dân phía trong cho biết, khi mở đường, gia đình ông Nguyễn Phương Châm bị thu hồi phần lớn diện tích nhưng còn “sót” lại 1,7m2. Phần đất này không được đền bù nên ông Châm đã rao bán.

Cũng trên tuyến đường này, nhiều hộ gia đình đã quây tôn để giữ phần đất nhỏ còn lại không được thu hồi khi dự án mở đường đi qua, thậm chí đã xuất hiện công trình siêu mỏng khá kiên cố. Trên tuyến Trần Phú – Kim Mã mới mở cũng xuất hiện tình trạng các hộ dân quây tôn bảo vệ phần đất không bị thu hồi. 

Theo UBND quận Ba Đình, 65 trường hợp trên tuyến Trần Phú - Kim Mã và 34 trường hợp trên tuyến đường vành đai 2 đã có phương án xử lý theo thiết kế đô thị và đang được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, ông Nguyễn Phong Cầm cho rằng, các dự án mở đường phải thực hiện bài bản theo quy hoạch được tính toán một cách toàn diện. Đặc biệt, cần phải tính tới vấn đề phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo. 

Ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng: “Chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu hồi cả những diện tích nhỏ lẻ không đủ diện tích xây dựng dù không thuộc dự án. Không thể chỉ kẻ một đường thẳng phục vụ dự án, còn mặc kệ diện tích xung quanh”. 

Đoàn giám sát đã ghi nhận ý kiến từ phía các quận, đồng thời đề nghị các sở đề xuất thành phố hướng xử lý dựa trên đề xuất của quận. Ngoài ra, cần chú ý phối hợp trong quản lý để không phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt khẳng định, Hà Nội đã có quyết tâm rất lớn trong xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.  Ông Lê Văn Hoạt đề nghị, các quận cần tiếp tục xử lý quyết liệt khi phát hiện công trình mỏng, méo, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm.