Không để "lọt lưới" đại học kém chất lượng

(ANTĐ) - GS. TSKH Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu thẩm định thiếu nghiêm túc, để tái diễn tình trạng bùng phát đại học, cao đẳng kém chất lượng, cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Không để "lọt lưới" đại học kém chất lượng

(ANTĐ) - GS. TSKH Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu thẩm định thiếu nghiêm túc, để tái diễn tình trạng bùng phát đại học, cao đẳng kém chất lượng, cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

- Theo ông "cuộc đua" mở trường đại học, cao đẳng liệu có tái diễn trong thời gian tới khi nhiều địa phương lập quy hoạch từ 3 đến 5 trường?

- Vấn đề đặt ra là Nhà nước không hạn chế việc mở trường. Tuy nhiên, khi thành lập trường phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, năng lực quản lý và chương trình nội dung... Nếu các trường đáp ứng đủ các điều kiện này thì việc thành lập là xác đáng dù là từ ngân sách Nhà nước hay xã hội hóa. Thực tế, đất nước đang thiếu trường có chất lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo rất lớn của xã hội.

Tôi ủng hộ quan điểm “mở rộng cửa” để đón con em đến trường. Nhưng cần hướng tới mục tiêu các trường mới thành lập phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm của xã hội. Đây chính là sự điều chỉnh sống còn cho hệ thống các trường hiện nay. Trước nay, nhiều trường mở ra, song đào tạo các ngành không đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Vì sao vẫn còn những trường kém chất lượng, lại đào tạo chệch hướng khiến "đầu ra" cho sinh viên hết sức khó khăn?

- Vấn đề sinh viên ra trường khó kiếm việc làm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng sinh viên, ngành nghề học, thiếu thông tin về tổng thể nguồn nhân lực và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực... Nếu các trường làm được tốt các việc này thì không có chuyện sinh viên không có đầu ra bởi thực tế đang thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng. Tình trạng bí đầu ra cho sinh viên là cảnh báo cho cả xã hội, những nhà quản lý ngành giáo dục đào tạo và chính các trường ĐH, CĐ. Đây là cảnh báo mang tính quy luật và trường nào đi không đúng hướng sẽ bị xã hội đào thải. Do đó, việc sắp xếp lại hệ thống các trường cũng phải trên quy luật đó, theo nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. 

- Hàng loạt trường tuyển sinh khó khăn nhưng nay nhiều địa phương lại quy hoạch thêm trường mới, liệu sẽ phát sinh "khủng hoảng thừa"?

- Không lo ngại “nở” thêm các trường mới mà nên lo ngại là “bùng nổ” thêm các trường không đáp ứng được yêu cầu. Nếu áp dụng nghiêm túc các quy định, điều kiện về thành lập trường, sẽ không có chuyện dễ dãi sinh ra các trường có vấn đề. Thậm chí, nếu áp dụng nghiêm các quy định, điều kiện, sẽ có không ít trường đang tồn tại không đáp ứng được và phải loại bỏ. Mấu chốt ở đây là phải chấn chỉnh việc cấp phép và giám sát để các trường thành lập phải “sạch”, tốt, trúng với nhu cầu của xã hội.

Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là bài học xác đáng, là tiếng chuông cảnh tỉnh rõ rệt nhất đối với các trường ĐH, CĐ. Đáng buồn hơn, với số sinh viên mà các trường “vớt vát” được, thực ra cũng đã vượt năng lực, khả năng đào tạo của không ít trường. Con số tuyển sinh èo uột có thể làm nhiều trường buồn nhưng là điều có lợi cho sự phát triển chung của giáo dục đại học, theo hướng có lợi cho người học, cho xã hội.

GS. TSKH Đào Trọng Thi

- Dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ song số ĐH, CĐ thiếu đủ thứ, cơ sở vật chất hầu như không có gì vẫn ra đời?

- Có thực trạng đó là do chúng ta đã mắc sai lầm trong suốt quá trình dài. Do vậy việc sửa chữa cần có bước đi từ từ, theo lộ trình. Nếu đóng cửa ngay tất cả các trường kém chất lượng thì có thể tạo ra sự đổ vỡ trong hệ thống giáo dục đại học. Hàng nghìn sinh viên đang học dở dang không biết đi về đâu. Nếu tích cực và cố gắng hết sức, sớm nhất cũng phải 5 năm nữa mới giải được bài toán các trường thiếu và “trống” đủ thứ. Đối với các trường mới, cần phải thực hiện đúng quy định và nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá vừa qua. Nếu không làm được thì đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước vì đã được cảnh báo mà vẫn tái phạm.

Mỗi kỳ thi đại học - cao đẳng đều là mối quan tâm của toàn xã hội
Mỗi kỳ thi đại học - cao đẳng đều là mối quan tâm của toàn xã hội

- Nếu cần thời gian dài như vậy, có nên tính tới giải pháp tạm thời dừng cấp phép trường mới?

- Không nhất thiết phải dừng. Nếu trường mới ra tốt hơn, có đủ điều kiện hơn thì sẽ cạnh tranh với các trường cũ, kém chất lượng, khiến các trường kém phải thu hẹp quy mô, thậm chí phá sản. Sự đào thải tự nhiên là hữu hiệu nhất. Hiện nay, quy định, điều kiện thành lập trường đã nâng lên mức rất chặt chẽ. Từ quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và Nghị quyết của Quốc hội rất nghiêm khắc về vấn đề này. Cơ quan quản lý Nhà nước còn để xảy ra chuyện thẩm định thiếu nghiêm túc, có “vấn đề” làm phát sinh các trường không đáp ứng được yêu cầu thì là lỗi nghiêm trọng và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

- Có địa phương với cơ cấu kinh tế vẫn lấy nông nghiệp là chủ yếu, song lại đề nghị thành lập tới 5 trường ĐH, CĐ, con số này có phi lý?

- Tất cả phải làm theo quy hoạch. Đối với các tỉnh bình thường thì quy hoạch chỉ có 1 trường, công lập hoặc ngoài công lập. Đúng là việc đề ra nhiều trường là quyền của tỉnh song phải căn cứ trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những cơ quan quản lý giáo dục đại học ở Trung ương, những người chịu trách nhiệm thẩm định việc cấp phép phải căn cứ vào quy hoạch của Nhà nước, có tính tới yếu tố phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương đó để xem xét có phê duyệt hoặc không. Nếu cứ đề xuất là được thì việc giao thẩm quyền cấp phép còn có ý nghĩa gì? Còn khi để “lọt lưới” các trường kém thì do trách nhiệm của cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Thành Nam

(Thực hiện)