Chất vấn tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội: Đảm bảo quyền lợi người dân trong chung cư và mầm non tư thục

Không để "bát nháo" chất lượng

ANTD.VN - Chỉ trong khoảng 2 năm vừa qua, tại Hà Nội đã mọc thêm tới 81 trường mầm non mới, hầu hết là tư thục. Thế nhưng sự gia tăng nhanh về số lượng có vẻ như chưa đi cùng với chất lượng. 

Những năm gần đây, vấn đề quản lý, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non nói chung, mầm non tư thục nói riêng được đông đảo người dân quan tâm. Qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV ngày 6-7, lần đầu tiên bức tranh toàn cảnh về nội dung này được hé mở.

Không để "bát nháo" chất lượng ảnh 1Công tác dạy và học tại các trường mầm non cần được tuân thủ và giám sát chặt chẽ về chất lượng

70 trường hoạt động chui, hàng trăm trường tạm bợ

Trên thực tế, chưa cần tới khi vấn đề quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục mẫu giáo, mầm non ngoài công lập được HĐND TP Hà Nội đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, tình trạng “bát nháo” ở các cơ sở mẫu giáo, mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập trên địa bàn thành phố đã được người dân và cơ quan chức năng cảnh báo. Bằng chứng là đầu tháng 4-2018, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Đoàn giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối vói trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn từ năm 2015 đến nay (khảo sát thực tế tại 16 trường ở 4 quận, huyện) và chỉ ra hàng loạt sai phạm, tồn tại, hạn chế.

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, những năm gần đây các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở Hà Nội phát triển với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trong điều kiện các trường mầm non công lập đang bị quá tải. Hiện nay toàn thành phố có 1.084 trường mầm non (tăng 81 trường so với năm 2015). Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe cho trẻ được duy trì, từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy vậy, còn 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa được cấp phép thành lập nhưng các cơ sở này vẫn đang hoạt động, tức là hoạt động “chui”. Hơn nữa, một số chính quyền cơ sở chưa chủ động trong việc quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động trái quy định của pháp luật kể trên. 

Cùng đó, gần 23% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có số trẻ/lớp vượt quá quy định. Cơ sở vật chất ở một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thường được thuê, cải tạo từ nhà dân, chung cư mini nên chưa hoàn toàn phù hợp với trẻ mầm non, chưa đảm bảo yêu cầu về diện tích l,5m2/trẻ theo quy định, không có sân chơi, phòng học thiếu ánh sáng, chưa đảm bảo điều kiện về công tác phòng cháy chữa cháy; cá biệt còn có nhóm lớp thiếu công trình vệ sinh, bếp ăn chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo... Thậm chí, ông Hoàng Huy Được, đại biểu HĐND TP thuộc tổ đại biểu huyện Ba Vì chỉ rõ, toàn thành phố hiện có 477 trường mầm non tư thục thì 386 trường phải đi thuê, mượn địa điểm, hoạt động chỉ được tạm thời, không ổn định. Ngay đội ngũ giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non cũng không ổn định, thay đổi thường xuyên, tư tưởng không gắn bó lâu dài, chất lượng giáo viên chưa cao, có nơi còn sử dụng giáo viên chưa được qua đào tạo trình độ về cấp học mầm non…

Kiên quyết xử lý những trường không đủ điều kiện

Với tính chất rất “nóng” như vậy, không ngạc nhiên khi chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội về nội dung này, đã có 23 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 17 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tái chất vấn với Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội. Đại biểu Hoàng Huy Được đặt câu hỏi: “Trong 386 trường mầm non tư thục đi thuê mượn địa điểm (trên tổng số 477 trường), Sở GD-ĐT đã kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo được bao nhiêu trường? Hiện tại các trường này có không ít giáo viên không đạt chuẩn giáo dục, quan điểm của Sở như thế nào?”. Đại biểu Nguyễn Thế Vinh (tổ đại biểu quận Đống Đa) chung mối băn khoăn: “Chỉ 34/477 trường tư thục đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường còn lại chưa đảm bảo chất lượng giáo dục; chủ đầu tư không có tiềm lực tài chính, không được cấp phép vẫn hoạt động. Vậy, Sở GD-ĐT có các giải pháp gì?”…

Trả lời các câu hỏi này, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, khi thẩm định thành lập các trường cũng như khi cho phép hoạt động, các trường đều phải đảm bảo quy định chung để được cấp phép. Thế nên, công tác dạy và học tại các trường được cấp phép hoạt động đều đảm bảo theo quy định. Còn để đạt chuẩn quốc gia, các trường cần thêm nhiều yếu tố khác. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định, Sở đặc biệt quan tâm đến vấn đề trình độ của đội ngũ giáo viên từ mầm non tới THPT, kể cả tại trường tư thục, chất lượng giáo viên hợp đồng cũng đều đạt chuẩn. Đâu đó vẫn có những giáo viên không đủ trình độ nhưng trường hợp như vậy là cá biệt, rất ít. Theo ông Chử Xuân Dũng, những trường hợp cá biệt ở đây là những giáo viên thuộc lớp mẫu giáo tư thục chưa được cấp phép hoạt động hoặc những lớp trông trẻ theo hình thức gia đình trông giúp nhau.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết thêm, về các trường mầm non ngoài tư thục, Sở đã xây dựng, bổ sung quy trình thẩm định, cấp phép hoạt động rất chặt chẽ, tuy nhiên do phân cấp tại các địa phương, đâu đó việc thẩm định vẫn còn sự coi nhẹ, nể nang. Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, nhưng không thể kiểm tra được hết, mà theo phân cấp, phòng giáo dục tại các quận, huyện, thị xã cũng có trách nhiệm kiểm tra trong vấn đề này… Tất nhiên, phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội không nhận được nhiều sự đồng tình từ các đại biểu khi tất cả đại biểu đặt câu hỏi đều có phản hồi, đề nghị lãnh đạo Sở làm rõ thêm. 

Do đây là lần đầu tiên chất vấn ở kỳ họp của HĐND TP về nội dung này nên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, HĐND TP sẽ tái giám sát vào kỳ họp giữa năm 2019. Chủ tịch HĐND TP đề nghị rà soát lại tất cả các trường mầm non tư thục trên địa bàn; kiên quyết xử lý những đơn vị không đủ điều kiện hoạt động, đồng thời hy vọng sau chất vấn, nội dung này sẽ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được học ở môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm.

Tăng học phí nhưng cơ sở vật chất trường mầm non cũng phải tương xứng

Không để "bát nháo" chất lượng ảnh 2

“Được biết HĐND TP Hà Nội vừa thống nhất thông qua nghị quyết trong năm học 2018-2019 tới đây, các trường mầm non, phổ thông (THCS, THPT, cơ sở giáo dục thường xuyên) công lập của Hà Nội sẽ tăng học phí từ 20.000-45.000 đồng/tháng so với năm học vừa qua. Chúng tôi cũng đồng tình với quyết định này, ủng hộ phương án tăng học phí, nhưng đề nghị cơ sở vật chất tại các trường mầm non cũng phải tương xứng với mức học phí mới. 

Thực tế hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn đặc biệt là các trường trong nội thành Hà Nội, những khu vực đông dân cư đã được xây dựng từ hàng chục năm về trước, cơ sở vật chất đã xuống cấp, nhưng vẫn chưa được cải tạo lại, do đó điều kiện sinh hoạt của cô và trò tại đây chưa được đảm bảo. Người dân chúng tôi mong rằng, tổng số thu học phí tăng sẽ được giành một phần cho việc cải tạo lại cơ sở vật chất các trường mầm non trên địa bàn”. 

Chị Mai Phương Thảo

(Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội)

Một phần số tăng thu học phí để cải cách tiền lương là hợp lý

Không để "bát nháo" chất lượng ảnh 3

“Với mức tăng hơn 40%, theo cá nhân tôi là mức tăng khá cao nhưng tôi nghĩ rằng những gia đình có con đang theo học tại các trường công lập vẫn có thể chấp nhận được với mức thu 155.000 đồng/người/tháng vào năm học 2018-2019. 

Cùng với điều chỉnh hệ số lương cơ bản, trong nhiều năm qua, mức sống của người dân ở khu vực nông thôn và thành thị đều đã tăng ở mức nhất định. Do đó việc tăng mức học phí đối với các cấp học của trường công lập trên địa bàn là điều đương nhiên. Theo nghị quyết của HĐND vừa được thông qua, trong năm học 2018-2019 tới đây, các trường mầm non, phổ thông (THCS, THPT, cơ sở giáo dục thường xuyên) công lập của Hà Nội sẽ tăng học phí và một phần số tăng thu học phí sẽ được sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại dành để chi sự nghiệp giáo dục hàng năm. Đây là điều phù hợp với thực tế, đảm bảo điều kiện sống và thu nhập cho giáo viên tại các trường công lập”. 

Anh Đặng Thanh Tùng

(Phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)