Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cố vấn cao cấp của Chính phủ Việt Nam:

"Không có phản đối thì không có cải cách"

ANTĐ - Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo "Vai trò kinh tế mới của doanh nghiệp Nhà nước" diễn ra sáng nay, 4-3, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cố vấn cao cấp của Chính phủ nhấn mạnh, cải cách có hiệu quả thì phải ắt phải có phản đối. 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận: "Cải cách mà không có phản đối thì không phải cải cách, vì không đụng chạm ai. Phản đối, chưa đồng thuận để làm cải cách tốt hơn. Không phải ngại khi đưa ra quan điểm mới, cách làm mới vì phản đối là chúng ta đang đổi mới. Cái gì đưa ra ai cũng gật thì chưa có gì đổi mới cả".

"Không có phản đối thì không có cải cách" ảnh 1

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh và ông Tony Blair chia sẻ kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Phú Khánh 

Theo ông Tony Blair, trong khi còn làm ở Chính phủ Anh, ông đã gặp nhiều trường hợp bị phản đối. Thậm chí, ông cho rằng, "nếu không có phản đối là cải cách kém. Không ai la hét phản đối cũng phải xem lại, đề xuất đó có hay không".

"Không có phản đối thì không có cải cách" ảnh 2

"Không có phản đối, cần xem lại đề xuất đó có hay hay không"- ông Tony Blair nói. Ảnh: Phú Khánh

Liên quan đến vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước, ông Tony Blair cho rằng, vai trò điều tiết quản lý của Nhà nước rất quan trọng. Yếu tố cần thiết để thúc đẩy cải cách không phải là cần có nhiều người làm, mà cần người đúng vị trí để "đẩy quá trình đó đi" và biết cách dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua trở ngại.

Kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước ở Anh cho thấy, nhờ có cải cách mà thu hút vốn FDI tốt hơn. Sức mạnh của nền kinh tế Anh hiện nay là kết quả của quá trình cải cách trong 30 năm qua mà nước này đã thực hiện. Tuy nhiên, trước đó, không ít người phản đối cho rằng, họ làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước sẽ ổn định hơn.

Tại Việt Nam, cải cách doanh nghiệp Nhà nước đang rất được quan tâm. Trong 20 năm qua, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm mạnh, từ 12.000 doanh nghiệp những năm 90 của thế kỷ XX, xuống còn 5.600 doanh nghiệp, trong đó 800 doanh nghiệp vẫn giữ 100% vốn Nhà nước. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn quản lý khối tài sản lớn trị giá trên 3 triệu tỷ đồng, vốn Nhà nước là 1,1 triệu tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước đã tham gia vào nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước như: 85% sản lượng và xăng dầu, 90% dịch vụ viễn thông, 56% dịch vụ tài chính dịch vụ… 

Mặc dù vậy, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều doanh nghiệp đã được cổ phần hóa cũng chưa đi vào thực chất, mới thành công về hình thức. 

Vì vậy, Việt Nam đang tích cực học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới để cải cách doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

Buổi hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam. Nhiều thắc mắc, băn khoăn về cải cách doanh nghiệp Nhà nước đã được trao đổi, góp thêm kinh nghiệm cho Việt Nam.