Không có chuyện “xén” đất Công viên Thống Nhất xây khách sạn

(ANTĐ) - Có diện tích chiếm đất nằm ở vị trí “nhạy cảm”, liền kề Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), dự án khách sạn 4 sao, 5 tầng SAS Royal bị cho là “cắt thịt” công viên để xây khách sạn. Sự thực là các căn cứ pháp lý của dự án hoàn toàn đầy đủ và đã được chính quyền các cấp qua nhiều thời kỳ phê duyệt đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật.

Không có chuyện “xén” đất Công viên Thống Nhất xây khách sạn

(ANTĐ) - Có diện tích chiếm đất nằm ở vị trí “nhạy cảm”, liền kề Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), dự án khách sạn 4 sao, 5 tầng SAS Royal bị cho là “cắt thịt” công viên để xây khách sạn. Sự thực là các căn cứ pháp lý của dự án hoàn toàn đầy đủ và đã được chính quyền các cấp qua nhiều thời kỳ phê duyệt đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật.

Bắt đầu từ 20 năm trước

Chiều 13-2, ông Nguyễn Minh Chung - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, điểm khởi đầu của dự án khách sạn SAS tại góc đường Trần Nhân Tông, giáp Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) bắt đầu từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Ông Nguyễn Minh Chung nói: “Hà Nội lúc đó rất thiếu khách sạn, chúng ta lại đang vướng cấm vận kinh tế nên hầu như không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào lĩnh vực này. Thụy Điển và Việt Nam tại thời điểm đó có mối quan hệ ngoại giao - kinh tế rất tốt. Nước bạn đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều.

Trong quá trình làm việc giữa 2 bên, phía bạn có đề xuất đầu tư xây dựng một khách sạn lớn tại Hà Nội. Dự án đã nhận được sự quan tâm lớn của các cấp, ngành vào thời điểm đó. Theo các trình tự, thủ tục đầu tư, giữa năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã chấp thuận về mặt nguyên tắc dự án xây dựng khách sạn tại khu đất góc đường Trần Nhân Tông, giáp Công viên Thống Nhất. Khi đó, khu đất này đang trưng bày xác máy bay Mỹ...”.

Khách sạn SAS sẽ vẫn triển khai bình thường
Khách sạn SAS sẽ vẫn triển khai bình thường

Song, phải tới giữa năm 2008, dự án mới chính thức khởi công. Thừa nhận sự trục trặc, trì trệ trong quá trình triển khai, ông Nguyễn Minh Chung cho biết, vướng mắc chính là khâu GPMB. Do thiếu nhà tái định cư, chủ đầu tư sau nhiều năm vẫn không thể di dời được hết các hộ dân trong phạm vi dự án.

Cuối cùng, từ diện tích được chấp thuận 1,5ha, các bên đối tác buộc phải “co” dự án lại còn xấp xỉ 1ha đất. Chính vì có sự thay đổi lớn về diện tích, toàn bộ hồ sơ dự án phải làm lại từ đầu nên tới cuối năm 2006, hồ sơ mới hoàn thiện.

Không hề trái với quy hoạch

Lật lại trình tự giải quyết hồ sơ của dự án, người ta có thể thấy, các khâu đều đã được thực hiện chặt chẽ theo quy định. Cụ thể, sau khi lựa chọn địa điểm, liên doanh báo cáo UBND TP Hà Nội. UBND TP Hà Nội có báo cáo trình Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã có Văn bản số  1777/KTDN cho phép UBND TP Hà Nội được sử dụng khu đất trên trục đường Lê Duẩn, giáp rạp xiếc và Công viên Thống Nhất để liên doanh với Công ty SAS (của Thụy Điển) xây dựng khách sạn.

Căn cứ trên Văn bản 1777/KTDN, UBND TP Hà Nội đã cấp giấy phép sử dụng đất cho Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (đơn vị phía Việt Nam tham gia liên doanh), với diện tích 1,5ha. Đồng thời, ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp giấy phép cho liên doanh chính thức hoạt động.

Chiều 13-2, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, việc cấp phép đầu tư cho dự án khách sạn SAS tại khu đất góc đường Trần Nhân Tông, giáp Công viên Thống Nhất là đúng trình tự, quy định pháp luật. Sau khi có dư luận về dự án, Thường trực UBND TP đã xem xét lại toàn diện quá trình triển khai dự án và quyết định thực hiện đúng cam kết trước đây với các nhà đầu tư. Điều này có nghĩa dự án sẽ tiếp tục triển khai bình thường.

Vì vậy, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp lại tháng 7-2008 cho Công ty liên doanh SAS Hà Nội Royal hotel LTD,  thửa đất lúc này có địa chỉ số 295 Lê Duẩn, diện tích đã được điều chỉnh lại còn 10.331,2m2 (hơn 1ha),  thời hạn sử dụng thuê 50 năm vẫn được tính từ năm 1991.

Theo đại diện chủ đầu tư, tổng mức đầu tư của khách sạn SAS là 40 triệu USD. Đúng với những yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan đã được Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo từ nhiều năm trước, khách sạn có quy mô 5 tầng, 376 phòng, tiêu chuẩn 4 sao, nằm bên cạnh Công viên Thống Nhất.

Trước ngày khởi công (giữa năm 2008), dự án cũng đã được cấp phép xây dựng cũng như các giấy tờ về đất đai có liên quan. Dự kiến khách sạn hoàn thành vào dịp 10-10-2010, chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Liên quan tới luồng dư luận “cắt đất công viên” để làm khách sạn SAS Royal, phóng viên đã tìm hiểu và có trong tay Công văn số 163/2007/KH-CVTN ngày 11-7-2007, của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất, xác nhận: “Diện tích dự án, khách sạn SAS Royal tại 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng Hà Nội, không có tranh chấp với diện tích Công viên Thống Nhất do Công ty quản lý”.

Theo Công văn 182/QHKT-P1, của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, trả lời Công ty liên doanh SAS Hà Nội Royal Hotel LTD, “căn cứ quy hoạch chi tiết quận Hai Bà Trưng, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2000 thì khu đất tại địa điểm trên (295 Lê Duẩn) được xác định là đất công cộng”.

Đến nay, quy hoạch này vẫn còn hiệu lực, do đó, không thể nói xây dựng khách sạn ở đây là “cắt thịt công viên”. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, khu đất này nằm giáp với Công viên Thống Nhất chứ không phải là đất thuộc Công viên Thống Nhất. Như vậy, có thể khẳng định, khu đất mà liên doanh SAS Royal đang xây dựng khách sạn được sử dụng hợp pháp, không hề có chuyện “bán đất công viên” làm khách sạn.                    

Thành Nam