"Không có chuyện đại biểu Quốc hội phát biểu theo "đặt hàng", chủ đích của nhóm lợi ích"

ANTD.VN - Chiều 27-11, họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phủ nhận dư luận cho rằng "một số đại biểu Quốc hội phát biểu theo chủ đích của nhóm lợi ích".

Báo cáo kết quả kỳ họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau 28 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 Nghị quyết như Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030... và cho ý kiến 10 dự án luật khác.

Tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề được báo chí nêu.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí, chiều 27-11

PV: Trong các phiên thảo luận, có nội dung được một số đại biểu đề cập lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc. Có dư luận cho rằng đại biểu được lobby, nhận "đơn đặt hàng" để phát biểu theo chủ đích của một nhóm lợi ích hay làm lợi cho một bộ, ngành, địa phương nào đó. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Nói đại biểu được “đặt hàng” để phát biểu thì tôi không rõ lắm. Tôi nghĩ đại biểu cùng nghiên cứu một vấn đề, trong khi chúng ta có tới gần 500 đại biểu thì khó tránh được phát biểu trùng một vấn đề. Quan điểm tôi là đại biểu phát biểu càng nhiều càng tốt, có thể phát biểu trùng nhau.

Trong quá trình đi làm việc với các bộ, ngành, có thể các đại biểu cùng được đơn vị đó phát tài liệu tham khảo. Điều này khó tránh. Nhưng không thể nói vì thế mà đại biểu có thể xoay chuyển, làm lệch lạc chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bởi, chúng ta có hai kỳ họp, cơ quan soạn thảo trình ra, Quốc hội xem xét thấu đáo và xin ý kiến các đại biểu bằng văn bản. 

Ví dụ như vừa qua thảo luận Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất có thêm một ngày nghỉ nữa là ngày 28-6 (Ngày gia đình Việt Nam), trong khi số ít đề xuất nghỉ ngày thêm là vào dịp Quốc khánh. Tập thể sau đó phân tích thì thấy đề xuất của số ít là hợp tình, hợp lý và sau đó thống nhất phương án đó với số phiếu đồng thuận trên 90%.

PV: Từ vụ nước sạch sông Đà nhiễm bẩn, tại kỳ họp này, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm và đặt vấn đề nên có riêng một luật về nước sạch, thưa ông?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Vấn đề này liên quan tới luật môi trường, kỳ họp thứ 9 tới sẽ trình Quốc hội cho ý kiến.

PV: Hiện Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm nhiệm phụ trách Bộ Y tế sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến được miễn nhiệm. Xin hỏi việc kiêm nhiệm này sẽ duy trì đến bao giờ?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Với chức năng, thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Khi nào Chính phủ, Thủ tướng chọn được nhân sự đáp ứng được nhiệm vụ, Chính phủ đề xuất thì Quốc hội sẽ xem xét.

PV: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội dự kiến thông qua kỳ họp này nhưng đã được lùi lại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020) vì còn nhiều ý kiến khác nhau. Là trưởng ban soạn thảo dự luật, xin ông chia sẻ thêm về điều này?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị lùi thời gian xem xét, thông qua dự án luật này sang kỳ họp sau để tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo hơn, toàn diện hơn phạm vi sửa đổi, bổ sung, đánh giá tác động của luật.

Dự thảo luật quy định ít nhất có trên 35% đại biểu Quốc hội là chuyên trách, trong khi nhiều ý kiến đề nghị tăng đại biểu chuyên trách, có đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể là trên 40%. Quốc hội đồng tình nhưng phải có lộ trình. Chúng ta đặt tiêu chuẩn cho đại biểu là rất cao, ít nhất là giám đốc Sở trở lên nên cũng không thể hạ tiêu chuẩn đại biểu vì phải giữ chất lượng Quốc hội.