Không chỉ giữ môn Sử

ANTĐ - Khép lại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới”. Dư luận xã hội và người dân vui mừng trước quyết định hợp lòng dân, phản ánh đúng nhận thức của cả xã hội trước một môn học hết sức quan trọng về giáo dục truyền thống dân tộc và lòng yêu nước cho muôn đời con cháu mai sau.

Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự án tích hợp môn Lịch sử, lập tức gây xôn xao dư luận với những phản biện xã hội. Trí tuệ của xã hội, ý kiến của giới chuyên gia đã góp phần làm sáng tỏ một vấn đề “cốt tử” của phương pháp tích hợp. Đây là biện pháp phát triển năng lực học sinh, song tích hợp không có nghĩa là thay thế ngay các môn học, vì mỗi môn học là một khoa học có giá trị và vai trò riêng. Trong điều kiện nước ta, không thể chuyển từ thái cực này sang thái cực kia theo kiểu bỏ hoàn toàn các môn. Xu hướng tích hợp các môn học trên thế giới có nhiều mức độ khác nhau. Đơn cử Mỹ và Australia tích hợp nhiều hơn, còn Anh, Pháp, Đức thận trọng hơn. Ở cấp THPT thì vai trò các môn khoa học độc lập quan trọng hơn là tích hợp. Họ chỉ tích hợp ở lớp 5, lớp 6, ở các lớp cao hơn thì họ quay trở lại từng môn độc lập. 

Theo ý kiến của một số giáo sư, giảng viên đã từng đứng trên bục giảng ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, việc tích hợp hay để một môn học độc lập cần phải lựa chọn phương án phù hợp. Vấn đề đặt ra là, có nên tích hợp môn Lịch sử vào Giáo dục công dân từ cấp THCS cho đến THPT hay không? Bước đi được cho là thận trọng trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là tích hợp có mức độ ở cấp THCS, còn THPT hãy để các môn học độc lập. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay nước ta chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và các điều kiện để tích hợp môn Lịch sử. Bởi tích hợp một môn học không những đòi hỏi về giáo viên mà sách giáo khoa và phương pháp dạy của các thầy cô cũng cần có sự thay đổi, đồng thời điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của xã hội. 

Quốc hội yêu cầu giữ môn Lịch sử cũng chính là yêu cầu, đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Tích hợp hay không phải có thời gian chuẩn bị thận trọng, tích hợp cần có bước đi phù hợp. Tuy nhiên, đằng sau yêu cầu ngành giáo dục không chỉ có trách nhiệm giữ lại môn học “sống còn” này. Một yêu cầu đặt ra cao hơn là không thể để môn Lịch sử kém hấp dẫn, khiến học sinh chán học. Một thế hệ trẻ chán lịch sử dân tộc là điều đáng lo ngại. Vì thế, trách nhiệm của ngành giáo dục không chỉ giữ môn Sử cho đúng vị trí, mà còn phải nâng cao, làm nó sinh động, bổ ích, hấp dẫn hơn.