Không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và "tuổi thọ" của luật

ANTD.VN - Chiều 21-6, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV. 

Tại đây, Tổng thư ký Quốc hội đã phản hồi về thông tin có văn bản đính chính liên quan tới Luật Cảnh vệ trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua, hay lý giải việc rút Luật Quy hoạch, Luật Tố cáo (sửa đổi) khỏi chương trình kỳ họp.

Không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng và "tuổi thọ" của luật ảnh 1Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo

- Theo ông, đâu là sự thay đổi tích cực, đáng ghi nhận nhất tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV? Các kỳ họp tới đây, những điểm nào cần phát huy?

- Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Thay đổi lớn đầu tiên là Quốc hội đã chuyển từ tham luận sang tranh luận, tính tranh luận thể hiện rất rõ, rất sôi nổi trong các phiên họp cũng như phiên chất vấn của kỳ họp. Thứ hai là sự linh hoạt trong điều hành của chủ tọa. Chẳng hạn tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, căn cứ vào thời lượng và số ĐBQH quan tâm, chủ tọa điều hành phiên họp đã quyết định điều chỉnh cho kéo dài thời gian thảo luận thêm 1,5 tiếng (kéo dài tới 18h30). Tăng thêm 1,5 tiếng thôi nhưng đã thêm được 15 đại biểu phát biểu, lần đầu tiên có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu tại một phiên họp như vậy.

Điểm thay đổi đáng ghi nhận nữa là phiên chất vấn tại kỳ họp này đã được bố trí tăng từ 2,5 ngày như trước đây lên 3 ngày, số lượng Bộ trưởng trả lời chất vấn chính vẫn là 4 người. Như vậy có thêm thời gian cho các đại biểu được chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời kỹ hơn. Tại phiên chất vấn đã có 196 đại biểu tham gia chất vấn, chưa bao giờ nhiều vậy. Đây đều là những điểm cần phát huy.

- Có 2 dự án luật là Luật Quy hoạch và Luật Tố cáo (sửa đổi) chưa được thông qua hoặc chuyển ra khỏi chương trình luật thông qua tại kỳ họp này, vậy hướng xử lý với 2 luật này ra sao, cần rút kinh nghiệm gì?

- Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Luật Quy hoạch được rút ra khỏi chương trình các luật được thông qua tại kỳ họp này vì qua đánh giá, xem xét thấy còn nhiều vấn đề. Đây là một luật quan trọng, quy hoạch tổng thể của quốc gia, liên quan tới 45-95 luật chuyên ngành. Nếu thông qua thì liệu trong hơn một năm tới (trước khi luật có hiệu lực) có kịp điều chỉnh hơn 90 luật kia hay không? Vì thế, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật này, báo cáo Quốc hội xem xét vào kỳ họp sau, đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng luật thông qua rồi lại phải sửa.

Tương tự với Luật Tố cáo (sửa đổi), qua phát biểu của các ĐBQH trên nghị trường thấy còn quá nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội quyết định cho kéo dài thêm sang kỳ họp sau để xem xét thấu đáo. Vấn đề này Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH, đa số ĐBQH đồng thuận. Tinh thần của Quốc hội là không chạy theo số lượng luật mà chú trọng đến chất lượng, phải đảm bảo tính khả thi của luật để luật đi vào cuộc sống, đồng thời đảm bảo “tuổi thọ” của luật.

- Có thông tin rằng Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có gửi văn bản tới các ĐBQH đính chính lại khoản 2, Điều 21 của Luật Cảnh vệ trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua luật. Việc này có đúng quy trình làm luật hay không?

- Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:  Ở kỳ họp này có 2 đính chính của 2 Ủy ban chứ không phải một văn bản trên. Trong quá trình in ấn có thể có nhầm lẫn, thậm chí, văn bản liên quan đến việc xin ý kiến bỏ phiếu kẹp nhầm cả văn bản khác nên chúng tôi phải gửi văn bản xin lỗi. Thực tế khối lượng công việc lớn mà thời gian chỉ khoảng một tháng, các cơ quan của Quốc hội phải làm việc liên tục, cả thứ bảy, chủ nhật nên không tránh khỏi sai sót nhưng trước khi tiến hành việc chứng thực chuyển cho Chủ tịch Quốc hội ký đều phải có rà soát kỹ về câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy cho chắc chắn.

Vì thế, tất nhiên là không bao giờ sai về văn bản luật. Nếu có sai câu chữ nào thì phải báo cáo ĐBQH, còn ở đây là phiếu đính chính chứ không phải sai và công văn này (công văn đính chính của Ủy ban Quốc phòng - An ninh - PV) đã gửi cho các ĐBQH trước rồi chứ không phải sau khi các ĐBQH bấm nút thông qua Luật Cảnh vệ.

- Phó Tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Trong hồ sơ gửi ĐBQH trước khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ đã có kèm văn bản đính chính nội dung trên. Công văn đính chính đã kẹp vào hồ sơ trước khi ĐBQH bấm nút thông qua Luật Cảnh vệ, tức là các ĐBQH đã có đầy đủ thông tin trước khi bấm nút. Đây là một sơ suất trong quá trình hoàn thiện luật nhưng việc này diễn ra trước khi thông qua luật chứ không phải luật vừa thông qua đã phải đính chính.

Thể hiện những tiến bộ trong quá trình xây dựng luật 

Theo dõi kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Về chức năng lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua một số dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Cảnh vệ… liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Cũng trong kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng… Trong các phiên thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu với tinh thần rất mạnh mẽ, thẳng thắn, trách nhiệm và có chất lượng. Có thể nói, những tiến bộ trong quá trình xây dựng luật của Quốc hội đã cho thấy, từ nội dung đến quy trình đang có những đổi mới tích cực. Các Luật, Bộ luật được thông qua đều đạt được sự đồng thuận rất cao với mức trên 80%, 90% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành.

Bà Trần Thị Mai (Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Tranh luận tại nghị trường sôi nổi, trách nhiệm

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, nội dung tôi quan tâm nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong 3 ngày diễn ra phiên chất vấn đã có nhiều tư lệnh ngành cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham gia trả lời, giải trình các ý kiến của ĐBQH về những tồn tại trong ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, kinh tế xã hội… Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “chấm điểm”, các Bộ trưởng đã nhận thức rõ về mặt mạnh cũng như hạn chế của ngành mình, trả lời thẳng vào các vấn đề ĐBQH quan tâm, không né tránh và sẵn sàng nhận trách nhiệm, đề ra các giải pháp khắc phục. Trong các phiên chất vấn còn có sự phối hợp trong việc giải quyết công việc liên quan giữa các Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ. Đặc biệt, các ĐBQH đã thực hiện quyền tranh luận của mình khiến không khí trong Nghị trường rất sôi nổi. Qua đó, một số vấn đề đã được xem xét, làm rõ đến cùng. Tôi cho rằng, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã diễn ra với không khí dân chủ, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm. Tuy nhiên, để kỳ họp sau có chất lượng hơn nữa, Quốc hội cần tăng thêm thời gian chất vấn đối với nhiều nội dung được cử tri quan tâm.

Ông Trịnh Công Sơn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội)