Không chấp nhận hoạt động báo chí tư nhân

ANTĐ -Chiều 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật báo chí (sửa đổi). Do tính chất quan trọng nên dự thảo Luật Báo chí lần này đã được chỉnh sửa rất kỹ, qua 17 lần bản thảo, kết cấu gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung.

Trình bày Tờ trình về dự thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son nêu rõ, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trình bày về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) 

Do đó, Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí.

Mặt khác, phải đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Đại diện cơ quan thẩm tra về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Cùng đó, dự thảo cũng đã mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú,… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Qua thảo luận, các đại biểu: Ksor Phước – Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc, Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội… đề nghị dự thảo luật này cần làm rõ vấn đề kinh tế thị trường ảnh hưởng thế nào đến các mô hình tổ chức quản lý báo chí, các cơ quan báo chí; mối quan hệ giữa các pháp nhân kinh tế với các cá nhân báo chí ra sao; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí đến đâu…

Đặc biệt, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng trong điều kiện hiện nay chưa cho phép hoạt động báo chí tư nhân. Các đại biểu đề nghị trong vấn đề này cần xác định rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là luôn quán triệt quan điểm báo chí của ta là báo chí cách mạng, không thương mại hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng báo chí, tự do báo chí nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.