Không “bỏ quên” nông thôn
(ANTĐ) - Hoãn các dự án đầu tư công và tập trung cho phát triển nông nghiệp, đó là hai quyết sách của Chính phủ vừa được ban hành. Nghị quyết 10 ngày 17-4 yêu cầu các Bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.
Ngay sau đó, ngày 18-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 391 giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch và tình hình sử dụng đất trên địa bàn cả nước, đặc biệt tập trung vào đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nước nói riêng.
Trong cơ cấu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thì đầu tư công chiếm khoảng 41% GDP, điều này chứng tỏ, những kết quả tăng trưởng trong hơn 20 năm đổi mới đã được “nuôi dưỡng” và kích thích bởi nguồn vốn ngân sách, ODA, trái phiếu Chính phủ đi vay. Trong khi đó, đối lập với nguồn vốn đầu tư công đồ sộ cho cảng biển, sân bay, đường sá, cầu cống và cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty... thì nguồn vốn từ ngân sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lại quá “lép vế”.
Khu vực nông thôn là nơi sinh sống của 70% trong tổng dân số hơn 84 triệu người, nông nghiệp đang tạo ra công ăn việc làm cho 57% lực lượng lao động và hơn 60 triệu nông dân đang đóng góp tới gần 20% giá trị GDP, vậy mà trong 5 năm qua, Nhà nước mới chỉ cấp cho khu vực rộng lớn này 8,7% tổng vốn đầu tư, chỉ đáp ứng 17% nhu cầu phát triển. Đáng lo ngại nhất là tình trạng phát triển tràn lan các khu công nghiệp, khu chế xuất ngay trên những vùng đất “bờ xôi ruộng mật”. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ trong 5 năm từ 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp biến thành đất phi nông nghiệp đã lên tới 366.000 ha, chiếm 4% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Tính ra, mỗi năm đất nông nghiệp giảm hơn 73.000ha. Theo đó, có tới 2,5 triệu nông dân bị mất đất, rơi vào tình trạng “ly nông, ly hương”. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ 2005-2007, cả nước đã “mất trắng” gần 35.000 ha đất trồng lúa. Cho dù nước ta vẫn đứng thứ 2 xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng tình hình giá lương thực đang “sốt nóng” trên thế giới, bảo đảm an ninh lương thực đồng thời nâng cao thu nhập và đời sống nông dân đã được Chính phủ đặt thành mục tiêu ưu tiên.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam được xếp vào những nước được hưởng lợi không đáng kể từ việc lương thực tăng giá. Thủ tướng Chính phủ ra quyết định yêu cầu hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, được coi là bước khởi đầu để hình thành một chiến lược lương thực quốc gia. Theo cam kết WTO, từ năm 2011, việc xuất khẩu gạo sẽ phải mở cửa cho nước ngoài. Khi đó, việc sử dụng hạn ngạch xuất khẩu sẽ tác động như thế nào lên thu nhập của nông dân, tầng lớp dễ bị “tổn thương” nhất khi hội nhập.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa đã đẩy hàng triệu nông dân lâm vào tình trạng “mất đất, mất nghiệp”. Các khu công nghiệp, khu đô thị mới mọc lên để lại cả một khoảng trống về an sinh xã hội cho những vùng nông thôn. Trở về với nông thôn, không “bỏ quên” nông nghiệp và nông dân. Đừng để chênh lệch thành thị - nông thôn; chênh lệch giàu - nghèo quá rộng. Bởi vì “đỉnh cao” của cái nghèo chính là “vực sâu” của nền kinh tế.
Đan Thanh