“Khôn nhà, dại chợ”
(ANTĐ) - Xi măng và sắt thép thường được ví von như… “gạo và thịt” trong xây dựng cơ bản và phát triển cơ sở hạ tầng của một đất nước. Vấn đề đang khiến các nhà quản lý, điều hành và các nhà sản xuất trong nước rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là xi măng rất khó tiêu thụ nên xuất khẩu chỉ là “bước đường cùng”. Còn thép nội bị thép ngoại chèn ép, dồn vào ngõ cụt.
Tình trạng trên thực ra đã được cảnh báo từ trước. Nguồn cung vượt cầu đã được các chuyên gia lên tiếng từ lâu nhưng chẳng ai lắng nghe. Hiện cả nước có tới 6 doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nguội, tổng công suất lên tới 2,4 triệu tấn/năm. Tính ra sản lượng đã gấp đôi so với nhu cầu thị trường trong nước. Có thể coi Việt Nam đã trở thành “cường quốc thép”.
Trong khi khả năng sản xuất thép trong nước nếu chạy hết công suất thì cả nước ta sẽ “bội thực” thép, nhưng vì hám lợi, các nhà nhập khẩu sẵn sàng bỏ cả đống tiền ra “ôm” thép ngoại. Mỗi khi các nhà sản xuất thép lớn trong khu vực ế ẩm là lập tức họ quay sang tấn công thị trường Việt Nam bằng chiêu giảm giá. Tất nhiên là giới nhập khẩu trong nước không bỏ lỡ cơ hội ồ ạt nhập thép ngoại, coi như “nối giáo” cho giới buôn thép quốc tế “bóp chết” thép nội.
Trong lúc Việt Nam gần như thả nổi cho thép nhập khẩu đổ vào trong nước, thì nhiều nước trong khu vực rất khôn ngoan áp dụng các biện pháp tự vệ để kiểm soát nhập khẩu một số sản phẩm thép. Đơn cử Indonesia ban hành thủ tục áp dụng giấy phép với Bộ Thương mại, hàng hoá khi nhập vào phải qua khâu kiểm tra kỹ thuật tại cảng. Chưa hết, họ còn khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép tấm cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, Singapore, Ukraine, Việt Nam.
Còn Malaysia thì tăng thuế nhập khẩu tối đa 25% là mức rất cao so với các nước trong khu vực. Hơn thế họ còn áp dụng giấy phép nhập khẩu cho hàng loạt sản phẩm thép. Nhìn sang ngành xi măng Việt Nam, tình cảnh cũng bi đát không kém. Tình trạng cung vượt cầu và tiếp tục đầu tư các nhà máy sản xuất xi măng cũng diễn ra tương tự. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, nguồn cung xi măng trong nước đã tăng khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu, trong đó thực tế tiêu thụ chỉ tăng 1,8 triệu tấn. Bài toán “đau đầu” của ngành thép và xi măng là cung vượt quá cầu.
Thế nhưng nếu ngành thép rơi vào tình trạng chính các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước “tiếp tay” cho thép ngoại “lấn sân” thép nội, thì trong ngành xi măng lại diễn ra tình trạng một số nhà máy ngoài “hàng rào” Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam tranh thủ thời cơ bán giá thấp hơn thị trường vì các nhà máy này sắp đến thời kỳ trả nợ ngân hàng. Như vậy, những lời cảnh báo về tình trạng xi măng dư thừa có khả năng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá… đã trở thành hiện thực.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương không cấp phép các dự án đầu tư sản xuất xi măng, thậm chí dừng một số dự án đã có quy hoạch. Song một số tỉnh vẫn cố sức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây nhà máy xi măng mới. Giải pháp tình thế xuất khẩu xi măng xem ra cũng bế tắc bởi rất tốn chi phí vận chuyển, chất lượng không đọ nổi với các nước lân cận.
Nhìn vào thực trạng và diễn biến của ngành sắt thép và xi măng nước ta, có lẽ chỉ có thể gói gọn trong một câu thành ngữ: “Khôn nhà, dại chợ”. Bước vào “chợ” toàn cầu hoá thì cái sự “dại” thật khôn lường!
Đan Thanh