Chấm thi ĐH, CĐ 2008:
Khối xã hội: Nhiều điểm dưới trung bình
(ANTĐ) - Sau khi kết thúc chấm thi cho các thí sinh khối xã hội, nhận xét của hầu hết cán bộ chấm thi khối này cho rằng, năm nay mặc dù bài thi bị 0 điểm hay các bài thi mắc lỗi ngớ ngẩn, viết lăng nhăng ít đi nhưng nhìn chung, bài thi đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân điểm thấp của các thí sinh chủ yếu là do hổng kiến thức, không trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi.
Thí sinh ngày càng ít đầu tư vào các môn xã hội (ảnh có tính minh họa) |
Viết vài trang giấy nhưng vẫn bị 0 điểm
“Nhìn chung, kết quả điểm thi môn Sử năm nay khá hơn năm 2007. Số bài điểm liệt giảm nhiều do đề thi môn Sử năm nay dễ hơn, câu hỏi rõ ràng, đảm bảo độ phân hóa” - GS.TS. Đỗ Thanh Bình - Chủ nhiệm Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết. Theo GS Đỗ Thanh Bình, tính trung bình hơn 10 túi bài thì có khoảng vài bài bị điểm 0. Mặc dù không mắc phải những lỗi ngô nghê như các năm trước những bài bị điểm 0 thường rơi vào những trường hợp thí sinh hiểu lạc đề, trả lời không trúng câu hỏi.
“Các trường hợp để trang trắng nộp bài chỉ có ít bài, tuy nhiên có những trường hợp thí sinh viết tới vài trang giấy nhưng chúng tôi cũng không thể cho một điểm nào vì các em trả lời hoàn toàn lạc đề, không có bất cứ nội dung kiến thức nào liên quan đến yêu cầu của đề bài. Trường hợp này, theo tôi hiểu là do hổng kiến thức, nhớ đâu viết đấy” - GS. Đỗ Thanh Bình cho biết.
Qua chấm thi môn Sử, các giáo viên cho biết, trường hợp thí sinh hiểu sai đề năm nay rơi vào câu 1 và câu 3. Cụ thể, đề câu 1 yêu cầu trình bày tác động của hai sự kiện lịch sử sau đây đối với cách mạng Việt Nam thời kỳ 1939-1945 là: Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9-1939) và Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh (8-1945), tuy nhiên nhiều em lại đi phân tích cuộc chiến tranh này chứ không viết về tác động của chúng với xã hội Việt Nam.
Với câu 3: “Cuối năm 1974 - mùa Xuân 1975, sau mỗi thắng lợi lớn trên chiến trường, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết định nào để sớm giải phóng hoàn toàn miền Nam?” thì nhiều em lại làm lạc đề.
Đánh giá về chất lượng bài thi môn Sử năm nay, GS. Đỗ Thanh Bình cho rằng: “Điểm môn Sử năm nay nhìn chung vẫn thấp, chưa cải thiện được tình hình so với những năm trước đây. Các điểm dưới trung bình như 2, 3, 4 vẫn phổ biến.
Thậm chí ở những trường thuộc tốp giữa thì có không ít bài chỉ đạt 0,25 hay 0,75 điểm. Bài thi Sử đạt điểm cao nhất hiện nay là 9,25. Một trong những lý do điểm môn Sử thấp là do học sinh ít đầu tư cho môn học này, nhất là khi quan điểm của xã hội, của ngành giáo dục đối với môn Lịch sử vẫn chưa có nhiều chuyển biến”.
Môn Văn: Nhầm lẫn cố hữu và những chuyện bịa như đùa
Theo ông Lã Nhâm Thìn - Chủ nhiệm Khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, so với năm 2007, bài thi môn Văn năm nay ít lỗi ngô nghê. Chất lượng bài thi tốt hơn, không có bài nào sai quá lớn về kiến thức, lỗi sai ngữ pháp, sai diễn đạt, sai chính tả giảm. Một trong những nguyên nhân đó là do đề thi năm nay quá quen thuộc.
Tuy nhiên, các giáo viên chấm thi môn Văn của trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn gặp những bài văn diễn đạt lan man, nhầm lẫn giữa các nhân vật, “bịa” thêm nhiều chi tiết... Lỗi được các thầy cô nhắc lại nhiều lần nhất là việc hiểu sai từ “đồng chí” trong câu hỏi liên quan đến tác phẩm “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
Trong tác phẩm này có một vài đoạn dùng từ “đồng chí” như “Trong khi chờ đợi cửa ngục mở rộng, Huấn Cao, đứng đầu gông, quay cổ lại bảo mấy bạn đồng chí: - Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi...” hay “năm bạn đồng chí của ông cũng đều được biệt đãi như thế cả”.
Thí sinh này đã “kết nạp Đảng” cho nhân vật Huấn Cao và hết lời ca tụng về người chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất trong bài làm của mình vì cho rằng đồng chí có nghĩa là chiến sĩ cộng sản. Vì lỗi đó, thí sinh đã bị trừ điểm gần hết câu này.
Lỗi nhầm nhân vật năm nay rơi vào phần câu hỏi về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Đây không phải là lần đầu tiên có thí sinh đang nói về Mỵ lại chuyển hướng sang nhân vật Đào (Mùa lạc) nhưng lần này lại còn cộng cả những đặc tính của nhân vật Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng) vào bài thi của mình.
Thí sinh khác đổi tên thống lý Pá Tra thành Bá Chủ và bịa ra: “Bá Chủ phát hiện ra âm mưu bỏ trốn của A Phủ nên lôi A Phủ ra sân, đánh đập cho một trận tơi bời khói lửa”.
Những chuyện bịa một cách ngây ngô do hổng kiến thức đã khiến những bài thi thành câu chuyện cười như trường hợp thí sinh miêu tả Mỵ và A Phủ kiếp trước lấy nhau không thành nên kiếp này tiếp tục tìm mọi cách để đến với nhau.
Họ yêu nhau quên trời đất, quên mọi khó khăn vất vả, quyết tâm bằng được trốn đi cùng nhau. Hai người đã chống lại bọn cường hào ác bá để giành lấy tự do và tình yêu của mình.
Thay vì trả lời câu hỏi, có thí sinh lại viết vào bài thi của mình rằng: “Trước kỳ thi, cô chú đã bán bò cho em đi thi. Em biết, kiểu gì cũng trượt đại học, nhưng mong các giám khảo cho điểm cao cao một chút để đỡ ngại với cô chú...”.
Theo GS. Đỗ Thanh Bình, sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi không ít trường hợp thí sinh chỉ dự thi khối xã hội bởi thấy mình không đủ khả năng thi vào các khối khác với hy vọng cầu may khi cho rằng khối này có nhiều câu hỏi chỉ cần học thuộc lòng. Đây chính là một trong những lý do điểm thi khối xã hội thấp hơn nhiều so với khối tự nhiên.
Vinh Hương