Kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa:

Khơi gợi ý chí quật cường, quyết bảo vệ non sông

ANTĐ - Sáng 23-2, tức mùng 5 Tết Âm lịch, lễ kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (hội Gò Đống Đa) được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Lễ hội càng trở nên ý nghĩa khi công trình đền thờ vua Quang Trung - vị anh hùng áo vải cờ đào được khánh thành vào đúng dịp này.

Khơi gợi ý chí quật cường, quyết bảo vệ non sông ảnh 1Khánh thành Đền thờ Hoàng đế Quang Trung 

Tái hiện chiến công bất hủ

Cứ vào dịp mùng 5 Tết Âm lịch, người dân Hà Nội và du khách bốn phương lại nô nức trảy hội Gò Đống Đa - di tích lịch sử, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng nghĩa quân Tây Sơn. Lễ kỷ niệm năm nay có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Song Hào, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định: “Lễ kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là dịp tôn vinh, tưởng nhớ đến công lao to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng kinh thành Thăng Long xưa để có được Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình ngày nay”. 

Sau màn dâng hương, tế lễ của các đoàn đại biểu, một chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện đã tái hiện màn tiến công thần tốc mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 của nghĩa quân Tây Sơn, giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược. Màn biểu diễn nghệ thuật cũng tái hiện trích đoạn vua Quang Trung chiến thắng trở về trên tay cầm cành đào tặng người vợ yêu quý - Ngọc Hân công chúa. Kết hợp những màn nghệ thuật nhiều màu sắc, hoành tráng nhưng đầy giá trị nhân văn, lễ hội là dịp khơi gợi tinh thần quật cường, không cam chịu nhục mất nước, không khuất phục trước thế lực phong kiến phương Bắc hung bạo. Một lần nữa “Hịch ra trận” của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ năm xưa lại vang lên trong lòng mọi con dân đất Việt: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho chúng chích luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Ngày nay, lớp lớp thế hệ cháu con tiếp bước truyền thống vẻ vang, giữ vững lời thề giữ nước, sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc lâm nguy, khi bờ cõi đất nước bị đe dọa, viết tiếp bản anh hùng ca bất hủ vẫn luôn được gìn giữ cho tới  hôm nay. 

Thêm một địa chỉ tâm linh

Lễ kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay cũng là dịp ra mắt Dự án đầu tư xây dựng tu bổ tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa - Di tích Gò Đống Đa, trong đó có hạng mục chính là đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Được khởi công từ tháng 2-2014, sau 12 tháng, công trình đã chính thức hoàn thành. Đền thờ Hoàng đế Quang Trung hình chữ Nhị, rộng 300m2, cao 9,54m, được xây bằng vật liệu và phương pháp thủ công truyền thống như gỗ lim, gạch lát nền gốm sứ Bát Tràng… Hai bức phù điêu sau tượng đài dài 47m được làm bằng đá xanh nguyên khối. Đền thờ gắn kết với các hạng mục tiêu biểu, tạo liên kết uy nghi với tượng đài vua Quang Trung trước cửa đền cũng được chỉnh trang tu sửa với chất liệu màu đồng phủ bên ngoài, bệ được ốp bằng đá khối, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân. Dự án được triển khai cơ bản trên cơ sở nguyên mẫu truyền thống, lấy ý kiến của các chuyên gia của Viện Bảo tồn Di tích, Viện Hán Nôm, do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Nội Gelemxinco làm chủ đầu tư. 

Sau khi phần lễ được cử hành, đông đảo người dân đã vào tham quan, chiêm bái đền thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, đồng thời tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như thi đấu cờ người, trò chơi dân gian…  

Pessy Salzmann (người Đức): “Không khí lễ hội thật tuyệt vời”

Tôi được biết đến lễ hội Gò Đống Đa qua lời giới thiệu của một người bạn. Tôi đã đọc về lịch sử Việt Nam và được biết lễ hội này là dịp kỷ niệm một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của các bạn. Các màn biểu diễn nghệ thuật rất quy mô. Không khí lễ hội rất sôi động và tuyệt vời. Năm sau nếu có cơ hội tôi sẽ cùng các con tham dự các lễ hội này. 

Bà Phạm Thị Đĩnh (Quảng Ninh): "Dịp để người dân thêm yêu nước"

Năm nào cũng vậy, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử chúng tôi có dịp tham gia đoàn tế lễ trong lễ hội Gò Đống Đa. Hơn 20 năm nay tôi đều đến đây trảy hội. Năm nay có dịp đặc biệt là công viên văn hóa Đống Đa có diện mạo mới, khang trang, rộng rãi hơn, và có đền thờ vua Quang Trung để người dân khắp mọi nơi tụ hội về thắp nén hương tỏ lòng thành kính. Tôi cho rằng đây là dịp đặc biệt để nhớ lại những dấu mốc vẻ vang của lịch sử, là dịp để mỗi người dân thêm yêu nước, yêu Tổ quốc.