"Khoảng trống" trong nhà trường

ANTĐ - Bên cạnh những bước cải cách, đổi mới ở tầm vĩ mô, ngành giáo dục cũng cần xem lại quy định về khen thưởng, kỷ luật trong nhà trường đã ban hành từ năm 1988.

Bộ GD-ĐT đang có quá nhiều việc lớn phải làm như đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới giảng dạy, nhất là đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Có lẽ vì bận bịu do phải “ôm” quá nhiều việc đại sự, Bộ GD-ĐT đã “bỏ quên” việc đổi mới những quy định về khen thưởng, kỷ luật trong nhà trường vốn đã rất lạc hậu sau gần 30 năm tồn tại. Đổi mới thi tuyển giảm bớt sự căng thẳng, tốn kém là điều hết sức cần thiết và cũng là đòi hỏi của cả xã hội.

Tuy nhiên, trong sự nghiệp “trồng người”, kết quả nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng mà bỏ qua đánh giá về tư cách, đạo đức của học sinh. Bởi, nếu thiếu những chuẩn mực đó thì không thể coi là con người hoàn thiện. Đương nhiên, những tiêu chuẩn định lượng và định tính về đạo đức, phẩm chất vẫn nguyên giá trị.

Song, trong thời gian dài, phải thừa nhận đã có những thay đổi lớn lao từ ngoài xã hội “vượt tường” trường học, tiêm nhiễm vào một bộ phận không nhỏ học sinh trung học. Những video clip “đánh hội đồng”, bạo lực trong nhà trường… được tung lên mạng thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong ngành giáo dục, trong từng trường học.

Mặc dù chỉ là “cá biệt”, chưa phải hiện tượng lây lan rộng khắp nhưng dưới góc độ quản lý, ngành giáo dục không thể áp dụng những quy định đã quá lỗi thời để răn đe, ngăn chặn thực trạng đáng lo ngại dưới mái trường trước áp lực tiêu cực từ cơ chế thị trường; từ mặt trái của Internet, mạng xã hội. Hiện nay, rất nhiều nhà trường đang lúng túng khi xử lý những học sinh vi phạm trong các vụ việc gây bức xúc dư luận.

Thước đo thành quả giáo dục không hẳn chỉ căn cứ vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tới gần 90%. Vậy thước đo phẩm chất đạo đức, nhân cách học sinh căn cứ vào đâu hay chỉ dựa vào điểm hạnh kiểm? Ngành giáo dục đã có sự đổi mới ở cấp tiểu học: không chấm điểm học sinh mà chỉ ghi nhận xét, đánh giá. Đã đến lúc phải đổi mới toàn diện các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh, làm sao vừa tránh được căn bệnh thành tích, vừa chấm dứt tình trạng hình thức, buông lỏng trật tự, kỷ cương trong nhà trường.

Đây là “khoảng trống” trong nhà trường mà ngành giáo dục cần phải lấp kín ngay. Bởi trong trường lớp, nếu không đưa trẻ vào khuôn phép, lơ là, xao nhãng việc rèn người thì khi bước chân ra ngoài xã hội, về gia đình, làm sao học sinh ứng xử, hành động như một người có học, tử tế và lương thiện?