Khoảng 9.000 lao động tiếp tục làm việc mỗi năm khi tăng tuổi hưu

ANTD.VN - Khi tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi), ước tính, số người nghỉ hưu giảm trung bình khoảng 9.000 người/năm.

Từ năm 2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng với lao động nam và 4 tháng với lao động nữ

Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã chính thức được thông qua với nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất là xác định một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong quá trình xây dựng dự án bộ luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo nhận thấy thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng do tác động của già hóa dân số.

Tăng tuổi nghỉ hưu là lời giải hiệu quả cho bài toán già hóa dân số mà Việt Nam đang phải đối mặt. Xa hơn, là giải quyết mục tiêu bao trùm về tăng trưởng kinh tế - xã hội, việc làm ổn định, bảo toàn và phát triển bền vững Quỹ Bảo hiểm xã hội, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta chuyển gánh nặng cho thế hệ sau.

Theo thống kê của cơ quan soạn thảo, 15 năm trước đây, thị trường lao động Việt Nam tăng thêm khoảng 1,2 triệu người/năm. Nhưng trong 5 năm gần đây, con số trên sụt giảm và chỉ còn khoảng 400.000 người/năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với 15 năm trước. Tỷ lệ lao động bước vào tuổi lao động ngày càng giảm trong khi Việt Nam lại có tốc độ già hóa dân số vào loại nhanh trên thế giới.

Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có phương án điều chỉnh sao cho không tác động tiêu cực đối với thị trường lao động và bảo đảm tâm lý của người lao động và của người dân nói chung. Bộ luật Lao động sửa đổi đã đưa ra một lộ trình điều chỉnh chậm để không gây sốc cho người lao động hoặc làm xáo trộn thị trường lao động. 

Cụ thể, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.

Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chứ không phải nâng ngay lập tức lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Đối với người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người bị suy giảm khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ nghỉ hưu khi áp dụng quy định mới cũng không dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến người lao động.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 129.000 người đến tuổi nghỉ hưu. Khi tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi), số người nghỉ hưu giảm trung bình khoảng 9.000 người/năm. So với con số 56 triệu lao động của Việt Nam, số người nghỉ hưu giảm như trên không có ý nghĩa lớn.