"Khóa chặt" quốc lộ 1 ngăn dịch tả lợn châu Phi lây lan

ANTD.VN - Chiều 14/3, Bộ NN&PTNT đã họp với các bộ, ngành liên quan và địa phương để bàn cách chống dịch tả châu Phi trong bối cảnh dịch ngày một lây lan diện rộng.

Vẫn còn tình trạng giết mổ, vận chuyển lợn trái phép

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, từ ngày 1/2 đến 14/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình... với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Cục Thú y nhận định, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện DTLCP tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đàn lớn nhất phải tiêu huỷ là 587 con tại Hải Phòng.

Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng Trung Quốc, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% do vận chuyển lợn sống và chế phẩm từ lợn giữa các vùng.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thú y, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương mới trong thời gian tới là rất cao.

Đã có hơn 23.000 con lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân xuất hiện bệnh do một số hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của dịch; còn hiện tượng vì tham lợi mà vẫn giết mổ, vận chuyển lợn trái phép, không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh; nguyên nhân khác là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm lẫn ở khu dân cư, khó kiểm soát.

Đồng tình với ý kiến của Cục Thú y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị xem xét lại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hộ chăn nuôi lớn làm rất tốt, thậm chí là phong toả chuồng trại không cho người lạ vào...”.

Còn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Xuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, 3 ngày nay, mặc dù thực hiện tích cực phòng chống dịch, song lượng tiêu huỷ đều hơn 60 tấn mỗi ngày.

Ba khu vực trọng điểm lo dịch tấn công

Tại cuộc họp, các địa phương đang có dịch đều kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện thủ tục làm cơ sở để địa phương triển khai hỗ trợ nhanh chóng cho người dân có lợn bị tiêu hủy.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, mặc dù chúng ta thực hiện khá đồng bộ và chủ động các nhóm giải pháp, nhưng điều đáng tiếc dịch bệnh đã xảy ra. Thời gian tới có 3 nguy cơ dịch sẽ lan truyền ra 3 khu vực.

Thứ nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vùng này không tổ chức phòng chống dịch tốt thì sẽ lan truyền sang các địa phương chưa bị. Nguy cơ là rất cao và đồng bằng sông Hồng chính là khu vực báo động đỏ. Khu vực thứ hai là miền núi phía Bắc, đây là vùng thứ hai trọng điểm để lường trước. Khu vực thứ ba nếu không giữ được thì vô cùng nguy hiểm là miền Đông Nam bộ.

Theo đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, phải tập trung xử lý an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi, cứ hộ chăn nuôi lợn là rắc vôi bột triệt để.

Thứ hai là xử lý thức ăn, đối với các hộ nhỏ lẻ, bà con nên dành một chút công sức xử lý nhiệt để đảm bảo an toàn cho vật nuôi.

Đối với nhóm trang trại lớn, yêu cầu chung là phải quán triệt bằng điện thoại, bằng mọi kênh, không đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan. Về quy trình xử lý dịch, cần rà soát lại để bổ sung một cách hoàn thiện nhất, từ khâu lấy mẫu phù hợp thực tiễn; phân tích, trả lời kết quả...

Vấn đề nữa là việc xử lý tiêu huỷ cũng phải tổng kết lại, hố tiêu huỷ được đào tại chỗ, nhưng phải đảm bảo mặt bằng, đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu vực chăn nuôi...

“Đặc biệt lưu ý các chốt chặn từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ vùng này sang vùng khác. Đặc biệt, trục đường quốc lộ 1 phải khóa thật chặt để ngăn dịch lây lan”- ông Cường nhấn mạnh.