Khó thu hút lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội

ANTĐ - Hiện nay, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nước ta mới chỉ chiếm khoảng 20% dân số. Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2016 quy định nhiều chính sách để thu hút người lao động tự nguyện tham gia, song nếu không thay đổi cách làm, mục tiêu mở rộng đối tượng BHXH rất khó khả thi.

Khó thu hút lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 1Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tham gia BHXH cho người dân

Nhiều quy định mới

Tại cuộc tọa đàm báo chí về vấn đề này sáng 26-1, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo Luật BHXH (sửa đổi), quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ được mở rộng hơn. Chẳng hạn, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được nâng thời gian hưởng chế độ thai sản (đối với lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi); bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường, 7 ngày nếu vợ sinh mổ; lao động nữ khó mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ chỉ cần đóng BHXH từ đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (thay vì 6 tháng như hiện nay)… Tuy nhiên, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ tăng lên trong khi một số quyền lợi sẽ bị giảm, nhất là chế độ bảo hiểm hưu trí. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, phải vừa cân đối quỹ BHXH nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, tạo được đồng thuận trong nhân dân khi mức đóng BHXH tăng lên còn mức hưởng giảm xuống. Do đó, việc thực thi luật đòi hỏi một kế hoạch triển khai thật cụ thể. Tới đây, Bộ   LĐ-TB&XH cùng BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan sẽ cùng xây dựng kế hoạch triển khai. Theo ông Phạm Minh Huân, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo công khai, minh bạch để tạo sự tin tưởng của nhân dân. Khi Luật BHXH mới có hiệu lực, trước hết, phải tổ chức thực hiện tốt để đảm bảo quyền cho người lao động được tự quản lý sổ BHXH của mình; định kỳ 6 tháng một lần được cơ quan BHXH, người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH… Công tác quản lý Nhà nước và thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này phải được kiện toàn, tổ chức tốt hơn.

“Thế giới đã từng… thất bại!” 

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ liên quan đến các giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH là nông dân cũng như nhóm có hợp đồng lao động dưới 3 tháng, bà Trần Thị Thúy Nga thừa nhận, đây là bài toán rất khó. Thực tế hiện nay, cả nước mới có khoảng 11.000 người tham gia BHXH tự nguyện và đa phần là những người đã có thời gian tham gia bắt buộc. Vậy làm thế nào vận động người dân tự bỏ tiền ra đóng BHXH để hưởng chế độ an sinh về già trong khi thu nhập hiện tại của họ còn chưa đủ sống? Theo bà Trần Thị Thúy Nga, giải pháp sẽ là hạ mức trần đóng BHXH xuống, không khống chế tuổi tham gia BHXH, dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng cho người nghèo, nhưng quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, để triển khai thành công chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, 70% là do công tác tổ chức thực hiện, còn chính sách chỉ chiếm 30%. “Mô hình BHXH tự nguyện trên thế giới cũng đã từng thất bại. Chúng ta đi sau nên muốn thành công thì phải đổi mới cách làm. Trong đó, phải làm sao để người dân tin tiền họ đóng được quản lý tốt, sau này họ được hưởng quyền lợi đầy đủ, thủ tục tham gia nhanh gọn, quá trình tham gia minh bạch, công khai …” – ông Phạm Minh Huân nói. 

Tương tự, với việc mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHXH tới nhóm lao động có hợp đồng dưới 3 tháng, Thứ trưởng Phạm Minh Huân phân tích: “Nếu cứ giữ cách thức tổ chức như hiện nay thì có khi lao động đã hết hạn hợp đồng vẫn chưa xong thủ tục để được cấp sổ BHXH. Nếu hết 3 tháng hợp đồng họ không có việc làm nữa, việc duy trì, đảm bảo quyền lợi BHXH cho họ thế nào? Nếu không có giải pháp cụ thể mà chỉ nói chung chung thì chắc chắn người lao động sẽ không muốn tham gia. Chưa kể, áp lực lên quỹ lương, quỹ tiền đóng BHXH của các doanh nghiệp rất lớn khi 96% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ”.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, ngành BHXH phải đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục hành chính, tăng tốc ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, quản lý BHXH… Các yếu tố này sẽ quyết định thành công của chính sách mới này.