Khó kiểm soát rác bẩn nhập ngoại!

(ANTĐ) - Giữa lúc xã hội đang căng thẳng bài toán giải quyết nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, các cơ quan chức năng đang loay hoay với những phương án hạn chế, tháo gỡ khó khăn bế tắc thì do món lợi kếch sù, các doanh nghiệp vẫn cố tình nhập rác bẩn về phục vụ cho việc tái chế, kinh doanh, bất chấp nạn ô nhiễm môi trường, mang những mầm bệnh tật nguy hiểm.

Khó kiểm soát rác bẩn nhập ngoại!

(ANTĐ) - Giữa lúc xã hội đang căng thẳng bài toán giải quyết nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, các cơ quan chức năng đang loay hoay với những phương án hạn chế, tháo gỡ khó khăn bế tắc thì do món lợi kếch sù, các doanh nghiệp vẫn cố tình nhập rác bẩn về phục vụ cho việc tái chế, kinh doanh, bất chấp nạn ô nhiễm môi trường, mang những mầm bệnh tật nguy hiểm.

Liên quan tới vấn đề này, đơn cử mấy trường hợp cố tình nhập rác bẩn ở TP Hồ Chí Minh trong quý III đầu quý IV-2007  như sau:

Vào cuối tháng 7-2007 Công ty TNHH Phú Trường Thành, trụ sở tại quận Bình Tân nhập về cảng Cát Lái 58 tấn chai nhựa đựng nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng (loại phế liệu này là phế liệu sạch, được phép nhập). Nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ là chai nhựa đựng hóa chất, chai truyền dịch… (tức loại rác bẩn, cấm nhập). Cục Hải quan TP đã lập biên bản xử phạt công ty này 17,5 triệu đồng buộc phải tái xuất toàn bộ lô hàng này trong vòng 30 ngày.

Tháng 9-2007, Công ty cổ phần Kim khí TP.HCM (Công ty Kim khí Q1) khai nhập về cảng Cát Lái 310 tấn thép phế liệu ép thành khối trong 13 container. Khi kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng là các loại vỏ lon đựng thực phẩm, nước uống, chai nhựa và bao nylon… chưa xử lý, còn bám đầy tạp chất và đã bốc mùi hôi thối. Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh đã kết luận lô hàng này không bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường, đề nghị tái xuất. Ngày 22-10, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt công ty nhập lô hàng này 20 triệu đồng và buộc tái xuất.

Sao lại mang rác về nhà?
Sao lại mang rác về nhà?

Tương tự như trên, Công ty TNHH Thương mại Anh Trang trụ sở tại Hải Phòng đã núp bóng nhập hàng dưới dạng sắt, thép phế liệu qua cảng Cát Lái 61

container gồm 1.400 tấn rác toàn là các loại lon, hộp kim loại đã qua sử dụng nhưng chưa được xử lý. Sở TN&MT kết luận toàn bộ lô hàng nói trên vi phạm quy định bảo vệ vệ sinh môi trường nên đề nghị Cục Hải quan TP Hồ chí Minh xử phạt và buộc tái xuất.

Và cũng trong ngày 22-10 Công ty TNHH Thương mại Nghệ Phong, trụ sở tại Bến Lức - Long An nhập 14 container qua cảng Phước Long II khai là nhựa FE chưa qua sử dụng, nhưng Hải quan cảng phát hiện toàn bộ 343 tấn nhựa này là nhựa phế liệu đã qua sử dụng và không rõ nguồn gốc chứa nhiều tạp chất không bảo đảm vệ sinh môi trường. Và ngày 25-10 Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xử phạt Công ty Nghệ Phong 17,5 triệu đồng, đồng thời buộc tái xuất toàn bộ lô hàng.

Có nhiều lý do để giải thích việc “cố tình” này của các doanh nghiệp. Lý do chủ yếu là lợi nhuận lớn nếu nhập rác bẩn trót lọt. Còn không qua được ải Hải quan thì có bị phạt cũng nhẹ và cùng lắm là buộc tái xuất. Nếu cứ xử lý theo cách như thế chẳng khác nào cơ quan chức năng chơi trò cút bắt với các doanh nghiệp.

Vì… một, hai lần bị bắt, mười lần thoát thì doanh nghiệp vẫn thắng đậm. Kẽ hở trong quy định về cho phép nhập phế liệu sạch có rất nhiều ngõ lách mà các doanh nghiệp thì quá rõ những ngõ ngách này để lách. Và cách lách dễ dàng nhất là khai nhập phế liệu sạch (được phép) rồi tráo vào các container rác bẩn (không được phép). Nếu khâu kiểm tra, gác cổng cảng lơ là hoặc bị mua chuộc thì coi như an toàn.

Ngược lại thì các doanh nghiệp tìm mọi cách tránh né việc xử phạt để kéo dài thời gian “chạy thuốc”. Chạy không xong, sẽ coi tình hình mà… bỏ của chạy lấy người. Lúc ấy cơ quan chức năng lại phải tiêu hủy để khỏi ảnh hưởng tới môi trường và Nhà nước lại phải tốn tiền tỷ cho cái việc giải quyết của nợ này.

Do đó chỉ còn một cách giải quyết là dùng biện pháp mạnh: Một là, xử phạt nặng hơn, mức phạt tiền cao hơn nhiều lần như hiện nay để đủ sức làm các doanh nghiệp nhập rác bẩn chùn tay không dám mạo hiểm nữa. Hai là, nếu doanh nghiệp nào cố tình vi phạm, bất hợp tác với cơ quan chức năng như kéo dài thời gian nộp phạt, chây ỳ việc chấp hành tái xuất hoặc “bỏ của chạy lấy người” thì xử lý hình sự.

Dư luận hiện nay rất bức xúc vấn nạn nhập rác bẩn, nó không còn đơn thuần là vấn đề kinh doanh bất chính cần phải lên án quyết liệt mà là kinh doanh tội ác đến lúc phải diệt trừ. Bởi rác bẩn không chỉ hủy hoại môi trường sống, sức khỏe con người hiện tại mà còn di họa tới mai sau, xã hội và con người thế hệ tương lai.

Trần Sơn