Khó cứu người, dập lửa vì lồng sắt cơi nới chung cư

ANTĐ - Vụ hỏa hoạn xảy ra chiều ngày 22-10, tại căn hộ thuộc chung cư cũ số 8 Trần Quốc Toản, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm  một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ khi gia chủ cố tình cơi nới, cải tạo không đúng quy định. Không chỉ ảnh hưởng đến kết cấu, việc nhiều hộ dân làm thêm “chuồng cọp” chính là thủ phạm khiến lửa cháy lan và đe dọa sự an toàn của những hộ tầng dưới. 

Khó cứu người, dập lửa vì lồng sắt cơi nới chung cư ảnh 1Lối cầu thang duy nhất để cứu nạn, thoát nạn của khu tập thể số 8 Trần Quốc Toản

Trở ngại lớn khi cứu nạn

Tại các chung cư, việc cơi nới, lắp đặt lồng sắt, “chuồng cọp” là trở ngại lớn đối với lực lượng cứu nạn khi giải quyết các sự cố cháy nổ. Thay vì được tiếp cận sớm với hiện trường nhằm dập lửa khẩn cấp thì lượng cứu hỏa lại phải mất rất nhiều thời gian cho việc cắt phá lồng sắt, mái tôn. Như vụ cháy tại khu tập thể số 8 Trần Quốc Toản vừa qua, xe thang cứu hỏa cũng phải “chào thua” bởi không gian chật hẹp, lại bị hệ thống dây điện, lồng sắt đua ra khiến mọi thiết bị không thể triển khai.

Đại úy Lê Văn Thinh, cán bộ kiểm tra hướng dẫn Phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Hoàn Kiếm, cho biết: “Hàng loạt lồng sắt, mái tôn do người dân cơi nới tại khu tập thể số 8 Trần Quốc Toản cản trở tầm nhìn khiến cho chúng tôi không thể phun nước trúng vị trí. Trong khi đó những căn hộ cũ này chỉ cần tác động nhiệt một thời gian ngắn sẽ có thể sập trần, đổ mái ngay lập tức”. Tại khu chung cư này, các hệ thống, thiết bị an toàn PCCC tuyệt nhiên không có. Với những tồn tại như vậy,  hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại đây sẽ khó lường được thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn. 

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết: “Lúc nhận được thông tin báo cháy, bên trong khu tập thể tối đen như mực do hệ thống thông gió, ô thoáng đều đã bị người dân bịt kín. Chính vì vậy,  khí độc, khói và nhiệt độ sẽ gia tăng rất nhanh, tạo thêm tình huống nguy hiểm cho cả lính cứu hỏa lẫn những người bị mắc kẹt chưa thoát ra kịp. 

Khó cứu người, dập lửa vì lồng sắt cơi nới chung cư ảnh 2Khu tập thể Thanh Xuân Bắc với những chiếc “ba lô” kỳ quái và là nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, cho biết: “Hiện  những khu tập thể cũ đều bị coi là tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Theo thống kê chưa đầy đủ chỉ riêng địa bàn quận Đống Đa đã có hơn 300 khu tập thể cũ như Nam Đồng, Kim Liên, Trung Tự… Các khu nhà  này đều không có ban quản lý, kinh phí đầu tư cho hệ thống phòng chống cháy nổ bằng không. Đó là chưa kể diện tích các căn hộ chật hẹp và thường xuyên thay đổi kết cấu, cơi nới chuồng cọp, lồng sắt… gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy cũng như sự thoát hiểm của người dân khi xảy ra hỏa hoạn”.

Tự tạo ra mồi lửa nguy hiểm

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, nguyên nhân gây cháy chủ yếu vẫn là ý thức yếu kém của nhiều người dân sinh sống tại đây. Việc tùy tiện đun nấu bằng bếp than tổ ong, đốt vàng mã bừa bãi… cùng hệ thống dây điện xuống cấp nhưng không được thay đã ẩn chứa nguy cơ cháy nổ. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, 95% nguyên nhân gây ra hỏa hoạn tại chung cư cũ trong thời gian qua là do chập điện;  5% còn lại là do người dân thắp hương, đốt vàng mã.

Và hầu như khi các vụ hỏa hoạn xảy ra thì chủ nhà đều khóa cửa đi vắng. Như vậy có thể thấy được ý thức PCCC của người dân chưa cao. “Nguyên nhân chập điện gây cháy là do chủ nhà không kiểm tra kỹ việc tắt điện, cắt cầu dao trước khi ra khỏi nhà. Nếu không còn thiết bị điện hoạt động thì cho dù dây dẫn có kém cũng rất khó dẫn tới cháy nổ. Nhưng chỉ cần bật một bóng đèn có công suất nhỏ trong thời gian dài cũng có thể gây chập cháy nếu hệ thống dây dẫn quá kém” - Đại úy Nguyễn Văn Thinh phân tích. 

Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã  khuyến cáo, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, tập huấn về đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ dân để nâng cao kỹ năng thoát nạn, thì cần phải quản lý chặt, hạn chế tối đa việc lắp lồng sắt, “chuồng cọp”... Đối với những hộ gia đình đã trót lắp lồng sắt, “chuồng cọp” thì cần làm cánh cửa để khi có sự cố, lực lượng cứu hộ, cứu nạn có thể cắt khóa, giải cứu dễ dàng.

Cùng với đó, người dân phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, dây dẫn và kịp thời thay thế khi chúng hư hỏng, xuống cấp. Tuyệt đối không được để ban thờ quá sát với nơi dễ bén lửa như trần nhựa, gỗ và ổ cắm điện. Càng không được thắp hương rồi  khóa cửa ra khỏi nhà bởi việc này có thể gây ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào.