Khó chốt được phương án tăng lương tối thiểu 2016 vì... 150.000 đồng

ANTĐ -Sáng nay, 25-8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên cuối để chốt mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016. Dù đã có thêm 20 ngày lấy ý kiến song cũng giống như phiên họp ngày 5-8 trước đó, phương án điều chỉnh của các bên đưa ra vẫn chênh lệnh rất lớn.

Trao đổi với báo chí giữa giờ giải lao phiên họp sáng nay, ông Mai Đức Chính -  Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) cho biết, tại phiên họp này, phía LĐLĐ VN kiên quyết bảo vệ phương án tăng lương tối thiểu vùng lên 16,8% so với năm 2015, nếu không thì tối thiểu cũng phải tăng 14,65% như mức tăng của năm ngoái (tương đương tăng thêm khoảng 450.000 đồng/ người/ tháng).

Ngược lại, phía đại diện cho giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng kiên quyết đề nghị giữ phương án chỉ tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thêm 10% (tương đương tăng thêm khoảng 300.000 đồng/ người/ tháng). Thậm chí đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị chỉ tăng ở mức 6-7%. 

Ông Mai Đức Chính trao đổi với báo chí giờ giải lao giữa phiên họp sáng nay, 25-8

Ông Mai Đức Chính phân tích, phương án của Tổng LĐLĐ VN đề xuất đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Có 4 yếu tố mà Tổng LĐLĐ VN đưa ra là: cuộc sống người lao động đang hết sức khó khăn, khả năng chi trả của doanh nghiệp vẫn trong mức chấp nhận được, tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và cuối cùng là chúng ta phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động.

“Trước đây Bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất với Tổng LĐLĐ VN là lộ trình lương tối thiểu đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động phải được thực hiện và kết thúc vào năm 2017. Hiện nay mức lương tối thiểu mới đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu, như vậy 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo mức tăng từ 25- 26%, mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, như vậy tăng lương tối thiểu năm nay khoảng 17% là phù hợp” – ông Mai Đức Chính nói.

Trước diễn biến vẫn đang hết sức căng thẳng khi cả 2 bên đại diện cho giới chủ và người lao động kiên quyết bảo vệ phương án của mình, trong khi phương án giữa 2 bên đưa ra còn chênh lệch khá lớn (còn cách nhau tối thiểu là 150.000 đồng), khả năng phiến họp này của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng không thể chốt được phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 như kỳ vọng ban đầu.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, theo quy định, nếu phiên họp của Hội đồng không đạt được thống nhất thì mỗi bên được phép yêu cầu dừng phiên họp 1 lần để tiếp tục nghiên cứu. Tại phiên họp ngày 5-8, VCCI đã yêu cầu dừng phiên họp.

Nếu phiên họp hôm nay cũng không thể thống nhất được để đi đến khâu bỏ phiếu, phía Tổng LĐLĐ VN có quyền yêu cầu dừng phiên họp. Khi đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải họp lại phiên thứ 3 và nếu ở phiên họp này các bên vẫn không thống nhất được phương án chung thì Chủ tịch Hội đồng sẽ ra quyết định về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tính đến thời điểm  hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đang gợi ý để 2 bên gồm VCCI và Tổng LĐLĐ VN cân nhắc phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 12%.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính cho biết, nếu thương lượng thì phương án điều chỉnh cuối cùng cũng không thể thấp hơn được mức tăng của năm 2015, tức tối thiểu phải tăng 14,65% (tương đương mức tăng trên 450.000 đồng/ người/ tháng so với 2015). Theo ông Chính, nếu không thương lượng được mức tăng như vậy, Tổng LĐLĐ VN sẽ áp dụng quyền yêu cầu dừng phiên họp này.