Khó bắt "ma" trên thị trường dược phẩm

ANTĐ - Đầu năm 2016,  vụ phát hiện hơn 500.000 đơn vị thuốc các loại hết date được tẩy, xóa, sửa date để bán cho người bệnh ở Hà Nội khiến dư luận hết sức lo lắng về chất lượng thuốc tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, không phải đến khi việc này được phát hiện, người ta mới biết mà trên thực tế, tình trạng thuốc tẩy date quay vòng, thuốc sai về hàm lượng, thuốc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc... đã tồn tại từ lâu trên thị trường dược phẩm.

Khó bắt "ma" trên thị trường dược phẩm ảnh 1

Liên tiếp các vi phạm nghiêm trọng

Trong số hơn 500.000 đơn vị thuốc hết date vừa bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện có đủ mọi loại từ kháng sinh, thuốc thần kinh, đển cả thuốc cai nghiện... Và không thể ngờ được rằng thủ đoạn “tân trang” các loại thuốc này lại hết sức đơn giản. Thuốc đóng trong hộp giấy sẽ được tẩy, xóa rồi in date mới hoặc sửa date; thuốc dạng viên nén đóng bao phim in date bằng dấu chìm được cắt góc khiến người mua không thể biết còn hạn hay không...

Đến thời điểm này người dân chưa thể quên vụ việc thu hồi thuốc gây xôn xao dư luận tháng 9-2015, đó là 6 loại thuốc của Công ty Sanofi - Aventis Việt Nam đã bị rút đăng ký và tạm dừng lưu hành. Đáng chú ý, các loại thuốc của Sanofi bị rút số đăng ký lưu hành tại Việt Nam đều là thuốc có uy tín trên thị trường, được nhiều người sử dụng. Trong đó, Telfast là thuốc thường được chỉ định cho những trường hợp viêm mũi dị ứng, mề đay. Telfast là thuốc ngoại (Pháp) nhưng có giá hợp lý nên các bác sỹ thường ưu tiên kê thuốc này cho bệnh nhân, đến khi nghe tin thuốc này bị tạm ngưng lưu hành có rất nhiều bác sĩ đã rất bất ngờ.

Tháng 4-2015, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã phát hiện 2 công ty là Austin Pharma Specialties Company có địa chỉ tại Hồng Kông (Trung Quốc) và CSPC Innovation Pharmaceutical Company có địa chỉ tại Trung Quốc kinh doanh nguyên liệu Omeprazol, Pantoprazol (dùng để bào chế thuốc chữa các bệnh đường tiêu hóa) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài việc phạt 2 công ty này mức phạt hành chính ở mức cao nhất là 160 triệu đồng thì cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định rút toàn bộ số đăng ký thuốc do 2 công ty này đứng tên ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Khó bắt "ma" trên thị trường dược phẩm ảnh 2

Kẽ hở kiểm nghiệm thuốc

Thực tế kiểm tra cho thấy, thuốc đang lưu hành trên thị trường “đột nhiên” bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi có đủ loại, từ kháng sinh, kháng viêm đến trị tiểu đường, lao, dạ dày, viêm khớp... Thống kê mới nhất của Cục Quản lý Dược cho thấy, tỉ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đang có xu hướng giảm. Năm 2013, có 186/39.482 mẫu thuốc được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tương đương 3,34%. Con số này giảm xuống 2,71% trong năm 2014 và 2,3% năm 2015. Ghi nhận của Cục Quản lý Dược cũng chỉ ra, trong 3 năm trở lại đây, số thuốc kém chất lượng phải thu hồi cũng giảm.

Cụ thể, năm 2013 có 62 loại phải thu hồi (50 loại nhập khẩu, 12 loại thuốc nội); năm 2014 giảm xuống còn 41 loại (30-11); năm 2015 có 40 loại (27-13). Theo số liệu thống kê thì có vẻ không đáng lo nhưng các chuyên gia trong ngành Dược lại cho rằng, tỉ lệ thuốc kém chất lượng và thuốc giả phát hiện được ngày càng giảm chưa chắc đã là điều đáng mừng. Bởi, với năng lực kiểm soát còn rất hạn chế, nhất là trong khâu kiểm nghiệm chất lượng thuốc thì những gì cơ quan chức năng phát hiện được mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 

Cục Quản lý Dược cho biết, hệ thống kiểm nghiệm thuốc hiện có 3 Viện Trung ương; 62 trung tâm thuộc tỉnh, thành phố và 3 đơn vị độc lập. Song chính Cục Quản lý Dược cũng thừa nhận, hệ thống kiểm nghiệm thuốc được đầu tư dàn trải, năng lực kiểm nghiệm thuốc còn hạn chế. Nhận định tương tự, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Hiện nay, Việt Nam gần như chỉ cấp số đăng ký cấp phép trên hồ sơ và không thể kiểm soát 100% chất lượng của thuốc đưa ra thị trường”.

Cũng rất lo lắng trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc kiểm nghiệm trước khi cho phép lưu hành là công đoạn rất quan trọng để đảm bảo thuốc đến tay người dân an toàn và đầy đủ hiệu quả khi sử dụng. Do đó, nếu chỉ áp dụng khâu này với một số loại thuốc là không ổn.

Bác sĩ Nguyễn Thu Anh cảnh báo: “Nếu không siết chặt sẽ ra tạo kẽ  hở cho các công ty nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lách luật và sẽ cho lưu hành tràn lan các loại thuốc không đảm bảo chất lượng”. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh đề nghị, phải quy định kiểm nghiệm dược đối với tất cả các loại thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước trước khi được lưu hành. Không thể để tình trạng các doanh nghiệp muốn nhập khẩu thuốc vào Việt Nam bao nhiêu cũng được mà không cần biết chất lượng có đảm bảo hay không.

“Chưa ai bị phạt vì có đến kiểm tra đâu”

Khó “bắt tận tay, day tận trán” những “bóng ma” trên thị trường dược phẩm đã đành, ngay cả việc xử lý các vụ việc đã phát hiện được cũng là điều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, trong đó, gây bức xúc nhất là việc thu hồi thuốc kém chất lượng còn mang tính hình thức. Về nguyên tắc, khi thuốc sắp hết date, các cửa hàng thuốc phải thông báo trước nhiều tháng cho doanh nghiệp cung cấp. Nếu quá thời hạn quy định mà nhà cung cấp không tới lấy, cửa hàng có quyền tiêu hủy. Tuy nhiên, nhà cung cấp luôn muốn kéo dài thời gian tiêu thụ các loại thuốc để giảm chi phí thu hồi và tiêu hủy.

Các nhà thuốc cũng thừa nhận, thông tin yêu cầu thu hồi thuốc kém chất lượng từ cơ quan quản lý cũng chỉ để... biết bởi thuốc đã bán cho người tiêu dùng rồi thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi (!?). Chủ một hiệu thuốc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Không có nhà thuốc nào lưu địa chỉ hoặc số điện thoại của khách hàng. Do đó, khi có yêu cầu phải thu hồi thuốc kém chất lượng, dù nhà thuốc có muốn cũng không biết tìm khách hàng ở đâu để thông báo.

Thêm vào đó, việc thu hồi thuốc phải do nhà phân phối thực hiện chứ nhà thuốc lấy quyền gì mà thu hồi... Có những loại thuốc đã có yêu cầu thu hồi nhưng đôi khi nhân viên nhà thuốc chưa kịp cập nhật nên vẫn tiếp tục bán ra. Tôi cũng chưa thấy ai bị phạt vì có ai đến kiểm tra đâu. Ngay cả doanh nghiệp cung cấp cũng “câu giờ”, chẳng vội vã gì với thuốc phải thu hồi bởi càng làm nhanh thì họ càng thiệt.

Các chuyên gia trong ngành Dược cho rằng, để trị bệnh hình thức trong khâu thu hồi thuốc kém chất lượng, quá trình này bắt buộc phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thầm quyền. Cùng đó, cần quy định rõ thời gian thực hiện thu hồi thuốc, tránh việc kéo dài thời gian, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tẩu tán thuốc. Phải có chế tài thật nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với hành vi chậm thực hiện hoặc cố tình không thu hồi thuốc kém chất lượng của nhà cung cấp.

Đặc biệt, để hạn chế tổn thất về chi phí, sức khỏe của người dân, cần bổ sung quy định về trách nhiệm công bố công khai việc thu hồi thuốc kém chất lượng cũng như lệnh cấm lưu hành trên thị trường đối với doanh nghiệp phân phối, nhà thuốc. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh đề nghị: “Bộ Y tế phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận thông tin thu hồi thuốc nhanh hơn, góp phần hạn chế tối đa tác hại nguy hiểm của thuốc kém chất lượng”. 

Mua bán kháng sinh dễ như mua rau

“Hiện nay, có tình trạng mua bán thuốc kháng sinh dễ như mua... rau ngoài chợ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ thuốc kháng sinh bán không có đơn của bác sĩ ở thành thị là 88%, ở nông thôn là 91%. Có tới 76% bác sĩ kê đơn kháng sinh không phù hợp. Hệ quả, có khoảng 33% người bệnh ở Việt Nam kháng thuốc kháng sinh. Tỉ lệ này thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bộ Y tế đã có quy định bán thuốc kháng sinh phải theo đơn bác sĩ nhưng không ai kiểm tra, xử phạt và có xử phạt thì chế tài cũng không đủ sức răn đe”. 

Ông Huỳnh Văn Tính, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội 

Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, từ năm 2012 tới nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra và công bố 92 doanh nghiệp sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng. Tuy nhiên, số thuốc giả phát hiện được rất thấp, chỉ có 2 loại (tỉ lệ thuốc giả phát hiện trong năm 2014 là 0,04%).