Khó bảo vệ quyền lợi lao động nữ đi XKLĐ

(ANTĐ) - Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tham vấn xung quanh vấn đề việc làm bền vững cho lao động giúp việc tại gia đình. Hiện nay chính sách đối với đối tượng này chưa đầy đủ và thống nhất nên quyền lợi của lao động chưa được đảm bảo, đặc biệt là đối với lao động nữ ra nước ngoài làm việc.

Khó bảo vệ quyền lợi lao động nữ đi XKLĐ

(ANTĐ) - Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tham vấn xung quanh vấn đề việc làm bền vững cho lao động giúp việc tại gia đình. Hiện nay chính sách đối với đối tượng này chưa đầy đủ và thống nhất nên quyền lợi của lao động chưa được đảm bảo, đặc biệt là đối với lao động nữ ra nước ngoài làm việc.

Phụ nữ nghèo đi XKLĐ chưa được quan tâm đúng mức về quyền lợi
Phụ nữ nghèo đi XKLĐ chưa được quan tâm đúng mức về quyền lợi

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), từ năm 2000 đến nay, đã có 213 nghìn lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Dẫn đầu thị trường là Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 61%, Malaysia trên 20%, Macao (Trung Quốc) là 3,6%... Về cơ cấu ngành nghề, lao động nữ làm việc trong gia đình chiếm gần 51%. Hiện nay lao động nữ giúp việc gia đình (LĐ GVGĐ) của Việt Nam làm việc ở nước ngoài luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề như thời gian làm việc dài, tính chất công việc phức tạp  (có thể gồm cả chăm sóc người già, trẻ em, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn...).

Cục Quản lý lao động  ngoài nước cho rằng, một số trường hợp đã bị bóc lột sức lao động và bị lạm dụng. Mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng phần lớn ở các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động giúp việc Việt Nam không có quy định riêng cho loại hình lao động này. Thực tế, đã có một số trường hợp các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa LĐ GVGĐ ở nước ngoài và sử dụng lao động tại các nước tiếp nhận đã đưa thông tin sai lệch khiến họ gặp nhiều khó khăn trong thời gian làm việc.

Ngoài những khó khăn mà LĐ GVGĐ phải trực tiếp đối mặt tại nước ngoài, họ cũng phải đương đầu với khó khăn tại chính quê nhà. Nghiên cứu “Tác động của XKLĐ đến cuộc sống gia đình tại Thái Bình” do tổ chức Health Bridge Canada và Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ cho thấy, 81,5% người đi xuất khẩu lao động là nữ, chủ yếu làm giúp việc gia đình. Ở những gia đình này, quy mô sản xuất bị thu hẹp, các thành viên trong gia đình chịu ảnh hưởng nhiều về tâm lý, tình cảm. Từ thiếu thốn tình cảm đã dẫn đến những biến đổi về nhận thức, hành vi ứng xử trong quan hệ vợ chồng cũng như ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý và việc học hành của trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến sự bền vững của gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều phụ nữ Việt Nam muốn ra nước ngoài làm GVGĐ. Bởi, phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài xuất thân từ nông thôn và vùng sâu, xa. Đây là những nơi có thu nhập thấp, ít việc làm, thu nhập phụ thuộc vào đồng ruộng nên kinh tế rất khó khăn. Đi làm việc ở nước ngoài sẽ giúp họ có thu nhập cao hơn. Thế nhưng, những ngành nghề như sản xuất cũng chỉ tiếp nhận những lao động trẻ từ 18 - 25 tuổi, trong khi các gia đình ở nước ngoài sẵn sàng chấp nhận những phụ nữ trên 30 tuổi với các điều kiện tuyển chọn không khắt khe. 

Theo nhận định của Quỹ Phát triển phụ nữ liên hợp quốc (UNIFEM), mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng phụ nữ đi XKLĐ nhưng các quyền cụ thể và nhu cầu của nữ lao động Việt Nam đi XKLĐ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Ngoài ra, vấn đề lao động nữ đi XKLĐ chưa được thể chế hóa trong chính sách pháp luật. Vì vậy quyền lợi của người lao động đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài càng khó được bảo vệ hơn các loại hình công việc khác.

Huệ Chi