Khi tiền tỷ trong tài khoản ngân hàng bỗng dưng "bốc hơi"

ANTD.VN -Báo ANTĐ đã đưa tin, dù không rút tiền nhưng gần 9 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) của bà Nguyễn Bạch Mai ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bỗng dưng “bốc hơi”. Liên quan đến sự việc này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của mình, bà Mai cần đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh lỗi thuộc ngân hàng.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, về mặt pháp lý, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Điều  554 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Bên nhận gửi giữ có nghĩa vụ bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ, đồng thời phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Khách hàng có thể khởi kiện

Tuy vậy, theo Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì, chủ tài khoản có nghĩa vụ kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình..

Trong trường hợp tiền trong tài khoản hay sổ tiết kiệm bỗng dưng “bốc hơi” trong khi chủ tải khoản không thực hiện bất kỳ giao dịch nào thì chủ tài khoản có thể khởi kiện để yêu cầu ngân hàng bồi thường. Tuy vậy, chủ tài khoản phải có chứng cứ để chứng minh cho việc mất tiền là do lỗi của ngân hàng.

Liên quan đến gửi tiền tại ngân hàng bằng hình thức gửi tiết kiệm, hiện có hai loại đối tượng là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khách hàng cá nhân thực hiện gửi tiết kiệm theo hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn (được cấp sổ tiết kiệm) hoặc tiền gửi thanh toán (được cấp số tài khoản thanh toán).

Khách hàng nên trực tiếp gửi tiền ở quầy giao dịch

Trở lại với trường hợp của bà Mai, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, điều đáng nói là, theo thông tin từ ngân hàng, khi đang gửi tiết kiệm, đến cuối năm 2015, nghe theo lời tư vấn của bà Nguyễn Thị Thu Hà, lúc đó là Trưởng phòng giao dịch 14 NCB, bà Mai chuyển sang hình thức gửi bảo lãnh ngân hàng dành cho khách VIP với mức lãi suất 13%/ năm. Mỗi lần bà Mai gửi tiền cho bà Hà đều chỉ nhận bản “bảng kê tiền gửi” có chữ ký của bà Hà (có đóng dấu của Phòng giao dịch 14) nhưng không kê khai các biểu mẫu nộp tiền. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò và trách nhiệm pháp lý của bà Nguyễn Thị Thu Hà, từ đó mới có thể xác định lỗi thuộc về bên nào.

 Cần gửi tiền trực tiếp tại quầy giao dịch

Hiện có không ít khách hàng VIP khi mở tài khoản, sổ tiết kiệm thường nhờ các nhân viên ngân hàng hỗ trợ mà không tới ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định hoặc vào thẳng phòng VIP của ngân hàng để ký các giấy tờ liên quan và thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền. Điều này là khá nguy hiểm, vì nếu nhân viên ngân hàng sau khi nhận tiền nhưng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, khách có nguy cơ mất tiền rất cao.

“Nhằm hạn chế rủi ro, khi gửi tiền vào tài khoản hoặc sổ tiết kiệm, khách hàng cần gửi tiền trực tiếp tại quầy – nơi có camera ghi lại hình ảnh. Bên cạnh đó, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, khách hàng tuyệt đối không được ký vào các tờ giấy trắng nhằm tránh việc nhân viên ngân hàng điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách” – Luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.

Một điều cần lưu ý nữa là khi gửi tiền tiết kiệm, khách hàng phải kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi về các thông tin như tên ngân hàng, loại tiền, số tiền, kỳ hạn gửi tiền, ngày gửi tiền, ngày đến hạn, lãi suất, họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Mỗi khách hàng cũng cần bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong trường hợp nếu thông báo quá chậm, khách hàng có nguy cơ bị thiệt hại rất cao.

Ngoài ra, việc cho người khác mượn số tiết kiệm cũng là điều không nên  bởi họ có thể giả mạo chữ ký để ra ngân hàng rút tiền từ tài khoản của khách hàng. Bên cạnh đó, người gửi tiền cũng không nên cho các nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm sau khi đã mở tài khoản và gửi tiền vào. Để tránh việc tiền bỗng dưng “bốc hơi”, khách hàng cần duy trì một chữ ký cố định, đồng thời cẩn trọng khi tiến hành các giao dịch trực tuyến…