Khi "rồng" gặp "hổ" và vai trò thúc đẩy của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Hàn Quốc

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến Hàn Quốc để tham dự một loạt sự kiện quốc tế song phương và đa phương, bao gồm Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc, Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất và thăm chính thức Hàn Quốc.

Khi "rồng" gặp "hổ" và vai trò thúc đẩy của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Hàn Quốc ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Quan hệ ASEAN với Hàn Quốc và sức mạnh nhân lên khi “rồng” gặp “hổ”

Đây là chuỗi hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm triển khai trên thực tế chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, trong đó có việc chủ động tham gia, phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, tạo cơ sở để tiếp tục đề cao vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Được tạo nên bởi các nền văn hóa tinh tế và sự thân thiện của người dân, giờ đây ASEAN đã trở thành một cộng đồng đoàn kết, hòa đồng, phát triển vì lợi ích chung. Trong ASEAN không có những cường quốc kinh tế, không có những “người khổng lồ” về dân số hay diện tích, trong khi sự khác biệt về trình độ phát triển, lịch sử, văn hóa… lại rất nhiều. Thế nhưng, sức mạnh của ASEAN là sự năng động và linh hoạt, luôn tự biết điều chỉnh để thích nghi với môi trường và thế giới thay đổi để tôn lên giá trị, đem đến sức sống mới cho khu vực. 

Chính sức mạnh đó đã tạo nên những điều thần kỳ mang nhãn hiệu “ASEAN” khiến thế giới phải kinh ngạc. Những cú bùng nổ về kinh tế trong những thập kỷ cuối của thế kỷ trước đã giúp Singapore “hóa rồng”, nạp cho Malaysia, Thái Lan sức mạnh của những “con hổ”, biến Việt Nam thành “hiện tượng” trong nền kinh tế thế giới. 

Ở Đông Bắc Á, từ bãi đổ nát của chiến tranh, Hàn Quốc đã có cú nhảy vọt làm nên điều kỳ diệu “Kỳ tích sông Hàn” cũng khiến cả thế giới phải khâm phục. Chỉ sau 40 năm, từ vùng đất chật hẹp hầu như không có tài nguyên, Hàn Quốc đã trỗi dậy trở thành “con rồng” của Đông Á, giành cho mình vị trí cường quốc kinh tế thứ 12 trên thế giới.

Những tương đồng trên con đường phát triển, đặc biệt là ý chí vượt khó đi lên, đã đưa ASEAN và Hàn Quốc đến với nhau một cách tự nhiên để cùng tìm cơ hội vượt lên trong cuộc đua toàn cầu gay gắt. Từ mở đầu bằng những cuộc đối thoại phi chính trị tháng 11-1989, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, trở thành “quan hệ đối tác hợp tác toàn diện” vào năm 2004, rồi “Đối tác chiến lược” vào năm 2010. Dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc được tiếp tục đẩy mạnh thông qua chính sách “Hướng Nam mới” với mục tiêu nâng cấp quan hệ với ASEAN lên ngang tầm với ngoại giao “tứ cường” của Hàn Quốc với 4 nước lớn, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản.

Và đúng như báo chí thế giới mô tả là khi “rồng” gặp “hổ” thì sức mạnh vốn đã vượt trội của từng bên như được nhân lên gấp bội. Minh chứng sinh động cho thành quả hợp tác giữa hai bên là Hàn Quốc nay đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư lớn thứ năm của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 150 tỷ USD. Hai bên hy vọng và lạc quan sẽ đạt được mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 200 tỷ USD vào năm 2020.

Trên nền tảng của quan hệ đối tác thân thiện, các mối quan hệ giữa người dân với nhau cũng như trao đổi văn hóa đã tăng lên theo cấp số nhân. ASEAN là khu vực mà có hơn 500.000 người đang làm ăn, sinh sống và học tập ở Hàn Quốc. “K-Wave” được chào đón ở ASEAN trong hơn 10 năm qua. Nhiều công dân ASEAN đã đến Hàn Quốc thăm quan, du lịch. 

Thành quả của sự gắn kết ASEAN-Hàn Quốc còn được thể hiện thông qua hợp tác Mekong-Hàn Quốc trong 6 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nước, nông nghiệp và phát triển nông thôn và phát triển nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 1987-2017, viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Hàn Quốc cho các nước khu vực sông Mekong chiếm tới 74% tổng viện trợ ODA của Hàn Quốc cho ASEAN. Đây là con số mang nhiều ý nghĩa vì 4 trong số 5 nước khu vực sông Mekong có trình độ phát triển thấp hơn so với các nước thành viên khác của ASEAN. 

Diễn ra trong các ngày từ 25 đến 27-11, có thể nói Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất với sự tham gia tích cực của Việt Nam sẽ là dịp để hai bên thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ, đưa ra những ý tưởng và sáng kiến mới để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. 

Việt Nam - Đối tác thúc đẩy chính sách “Hướng Nam mới” của Hàn Quốc

Trong tổng thể mối quan hệ tốt đẹp ASEAN-Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc, mối quan hệ phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam-Hàn Quốc giữ vai trò quan trọng và có đóng góp không nhỏ. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, trải qua gần 27 năm, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã và đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, duy trì và mở rộng từ cấp cao đến các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, không thể không kể tới hai dấu mốc đáng nhớ là sự kiện hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21” vào tháng 8-2001 và nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” vào tháng 10-2009. 

Trên cơ sở của quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ thương mại và đầu tư phát triển nhanh chóng. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký tính đến hết tháng 9-2019 đạt khoảng 70 tỷ USD với khoảng 8.000 dự án được cấp phép. Về thương mại, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Theo dự tính, nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, trao đổi thương mại Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2020.

Giao lưu giữa người dân hai nước ngày càng nhộn nhịp. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước. Một trong những điểm sáng quan hệ hợp tác đó là gần 60 tỉnh, thành phố, địa phương của hai nước đã ký kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác.

Hiện có hơn 180 nghìn người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, trong khi số người Hàn Quốc ở Việt Nam cũng lên tới hơn 160 nghìn người. Lực lượng này đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai bên. Năm 2019, dự kiến lượng khách du lịch hai nước sang thăm lẫn nhau sẽ đạt 5 triệu lượt. Để đáp ứng nhu cầu đó, hiện mỗi tháng có gần 200 chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.  

Là thành viên tích cực của ASEAN, với vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực, Việt Nam đã thể hiện vai trò như đối tác hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á khác nhằm hiện thực hóa chính sách “Hướng Nam mới” của Tổng thống Moon Jae-in. Có thể khẳng định, Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để tham gia phát triển và thiết lập các chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc trong khu vực.

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm thứ 7 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Trong chuyến thăm này, sự tham gia tích cực của Việt Nam sẽ góp phần vào thành công của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc trong tình hình mới.