Khi phái yếu thích phô trương "sức mạnh"

ANTD.VN - Hình ảnh những cô gái với tuổi đời còn khá trẻ lao vào giằng xé, đánh đấm, thậm chí cầm dao chém nhau trông hết sức phản cảm đã khiến dư luận đặt câu hỏi:nguyên nhân gì khiến một bộ phận “phái yếu” cũng trở nên hung hăng bạo lực như vậy?

Tức nhau là đánh đấm

Tối 10-9 vừa qua, nhiều thực khách có mặt tại quán mì cay trên phố Yên Lãng (quận Đống Đa, Hà Nội) một phen hoảng hồn khi chứng kiến cảnh hai cô gái trẻ xông vào đánh nhau. Nhân chứng cho biết, hai cô gái này vốn ngồi ở 2 bàn khác nhau và mâu thuẫn xảy ra trong quá trình ăn uống.

Sau một hồi cãi vã, hai cô gái đã lao vào giật tóc, đánh đấm ngay giữa chỗ đông người khiến quán ăn trở nên hỗn loạn. Điều đáng nói là, khi sự việc xảy ra, một số người có mặt lao vào can ngăn còn bị tai bay vạ gió. Phải đến khi CAP Trung Liệt đến hiện trường theo tin báo của người dân, vụ ẩu đả mới dừng.

Trước đó, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La xảy ra vụ một nữ sinh THCS tát bạn nữ cùng học 52 cái giữa lớp trước sự chứng kiến của nhiều người, khiến nạn nhân chảy máu mũi, suy sụp tinh thần. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do giữa hai người có lời qua tiếng lại trên mạng xã hội Facebook.

Còn tại một trường THCS thuộc quận 6, TP.HCM, vào ngày 11-8, sau giờ tan trường bất ngờ 2 nữ sinh đã lao vào đánh nhau ngay trước cổng trường,  gây náo loạn cả khu vực. Thậm chí  khi lực lượng cảnh sát tới nơi giải quyết, 2 “đương sự” vẫn không dừng lại buộc cảnh sát phải nổ súng chỉ thiên.

Gần đây nhất, vào ngày 12-9, đoạn clip ghi lại cảnh một số nữ sinh cầm dao rượt đuổi nhau tại cổng một trường học ở tỉnh Hải Dương được tung lên mạng khiến không ít người rùng mình, lo sợ. Trong đoạn clip, một thiếu nữ hùng hổ cầm theo con dao to bản chạy vào đám đông, nơi đó có hai nữ sinh khác đang ngồi trên xe đạp điện để… chém.

Do tại thời điểm xảy ra sự việc có khá nhiều người can ngăn nên đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tuy vậy, sau khi nữ sinh cầm dao bị tước bỏ hung khí, ngay lập tức 2 cô gái lúc trước bị đe dọa đã quay lại chửi bới và lao vào đánh hội đồng nữ sinh này. 

Trước những sự việc trên, không ít người đã thể hiện sự ái ngại về cách hành xử của các cô gái trẻ hiện nay, đồng thời đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân khiến những nữ sinh, các cô gái trẻ vốn chân yếu tay mềm, còn trong độ tuổi ngây thơ trong sáng lại coi bạo lực là chìa khóa để giải quyết mọi mâu thuẫn?

Những hình ảnh bạo lực thế này xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội

Hiện tượng “gia tăng nam tính” 

 Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, thông thường lứa tuổi thiếu niên, không phân biệt nam hay nữ, là giai đoạn các em đang hoàn thiện về tâm sinh lý nên chưa có nhận thức đầy đủ về cách ứng xử, khi gặp hoàn cảnh nhất định rất dễ có những hành động bột phát, cảm tính, thiếu kiểm soát.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện tràn lan những clip có nội dung bạo lực mà nữ giới “đóng vai chính” trên mạng Internet, tình trạng dậy thì sớm, yêu sớm, dễ dãi trong quan hệ nam nữ… cũng là lý do dẫn đến các cuộc ẩu đả.

Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nhiều học sinh nữ đã thừa nhận từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác và cho rằng bạo lực giữa nữ sinh là bình thường, có thể chấp nhận được. Điều này cũng liên quan tới tình trạng “giới tính không rõ ràng” đang khá phổ biến hiện nay.

Trong khi nhiều nam sinh trở nên nữ tính hơn, thì một bộ phận nữ sinh lại gia tăng nam tính, thậm chí cục cằn, thô lỗ. Cô Trần Minh Anh, giảng viên môn Xã hội học một trường đại học trên địa bàn Hà Nội phân tích, điều này một phần bắt nguồn từ sự thay đổi trong định hướng giáo dục từ gia đình hiện nay.

Nếu như thời trước người mẹ thường dạy con gái phải giữ “công, dung, ngôn, hạnh”, thì trong xã hội hiện đại, con cái được phát triển tự nhiên, không bị gò vào “tứ đức” như trước nữa. Song đáng ngại hơn là việc thiếu hụt sự quan tâm của cha mẹ, hoặc ở những gia đình thường xuyên xảy ra bạo hành khiến cho các em bị ảnh hưởng xấu về tính cách lẫn nhận thức.

Sự thờ ơ, vô cảm của cha mẹ đối với con cái, cộng thêm phương pháp giáo dục sai lầm trong nhiều gia đình hiện nay chính là nơi phát sinh các mầm mống bạo lực, lối sống vô cảm trong các nữ sinh. Bên cạnh đó, việc xử lý nương nhẹ, thường là cho qua chuyện của các cơ quan chức năng, nhà trường đối với các học sinh nữ cũng dẫn đến tình trạng “nhờn”, coi thường các nội quy, quy định của một bộ phận học sinh nữ.

Có thể nói, hành động bạo lực giữa nữ sinh với nữ sinh là điều rất đáng lên án. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tăng cường phối hợp để kịp thời nắm bắt những biểu hiện tâm sinh lý bất thường từ con em mình để có định hướng, uốn nắn kịp thời, đồng thời  tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là những nữ sinh trong độ tuổi dậy thì đang có sự thay đổi lớn về thể chất và tâm lý…