Khi luật sư bị xóa tên do vi phạm đạo đức nghề nghiệp

ANTD.VN -Thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng Luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, “vòi” tiền khách hàng ngoài thỏa thuận dẫn đến bị xóa tên, làm giảm lòng tin của người dân vào đội ngũ Luật sư nói chung…

Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong năm 2016, các Đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 73 Luật sư (trong đó có 56 trường hợp do không nộp phí thành viên, 17 trường hợp còn lại là xử lý kỷ luật do vi phạm đạo đức nghề nghiệp Luật sư).

Luật sư cũng...đi lừa

Cách đây không lâu, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Ái Liên (SN 1976, nguyên là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp) 24 năm tù về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thủ đoạn của đối tượng này là lợi dụng mối quan hệ nghề nghiệp làm quen với một số người, trong đó có những người yêu cầu Liên bảo vệ quyền lợi của họ trong các vụ kiện dân sự, sau đó hỏi vay tiền của họ với lãi suất từ 3%-12%/tháng nhưng không thanh toán đầy đủ. Ngoài ra, Liên còn lợi dụng sự tin tưởng của người bị hại ủy quyền đã nhận tiền tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) rồi tự ý sử dụng. Do vậy, từ năm 2011- 2013, Liên đã chiếm đoạt của 5 bị hại với tổng số tiền hơn 4,8 tỉ đồng. Hành vi của luật sư này không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư mà còn vi phạm các quy định hiện hành.

Ngoài số ít Luật sư vi phạm đức nghề nghiệp vẫn còn rất nhiều Luật sư tích cực tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân (ảnh minh họa)

Trước đó, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại là bà L.T.T và các con. Bà T có chồng là ông N.M.T  bị khởi tố với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong lúc gia đình bà T đang lo lắng,  Lương Anh Tiến (nguyên luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) đã xuất hiện với tư cách là một luật sư uy tín từng bào chữa tại nhiều vụ án lớn hứa hẹn sẽ lo cho ông T được tại ngoại, thoát tội. Để chiếm đoạt tiền của gia đình bà T,  Tiến đã từng bước dựng lên một số chi tiết của vụ án để rung, dọa gia đình bà T  khiến bà ngày càng  hoang mang nên đã vay tiền đưa cho Tiến lo chạy án cho ông T với số tiền tổng cộng là 1,8 tỉ đồng. Với hành vi này, Lương Anh Tiến đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thời gian qua, Liên đoàn cũng nhận được 196 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư. Sau khi nhận được các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các Đoàn Luật sư có liên quan để giải quyết.

Xử lý nghiêm theo quy định

Ngoài việc lợi dụng danh Luật sư lừa đảo khách hành, một số Luật sư còn sử dụng mạng xã hội để bài xích, nói xấu nhau, hạ uy tín của đồng nghiệp khi tiếp xúc khách hàng; hứa hẹn những việc quá thẩm quyền, khả năng của của mình... Trong đội ngũ luật sư hiện còn tình trạng chưa thực sự tận tâm trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Họ coi nghề của mình như một loại dịch vụ để kiếm sống nên luôn tìm mọi cách để đánh bóng tên tuổi.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện vẫn còn hiện tượng cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư, môi trường hành nghề và cơ chế tố tụng còn chưa thuận lợi cho Luật sư phát huy vai trò trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khiến một số Luật sư không sống được bằng nghề.

Liên quan đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Luật sư, theo bà Lê Hiền – Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật – Liên đoàn Luật sư Việt Nam, vi phạm đạo đức nghề nghiệp biểu hiện cụ thể là vi phạm về hành vi nhận thực hiện dịch vụ pháp lý mà không lập Hợp đồng dịch vụ pháp lý; nhận tiền dịch vụ pháp lý nhưng không thực hiện các công việc theo thoả thuận trong Hợp đồng; cam kết bảo đảm kết quả vụ việc; đòi hỏi từ khách hàng khoản tiền ngoài thoả thuận ...Thời gian qua, nội dung khách hàng khiếu nại Luật sư thường là tranh chấp thù lao song Liên đoàn chỉ giải quyết các vụ việc khi có vi phạm về Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Vi phạm được coi là phổ biến là Luật sư nhận tiền của khách hàng nhưng không thực hiện được công việc theo thoả thuận trong Hợp đồng.

Luật sư bị kỷ luật xoá tên thường có các tình tiết tặng nặng được Quy định tại Quy định xử lý kỷ luật luật sư ban hành kèm theo Quyết định 68/QĐ-BTVLĐLSVN ngày 5-10-2012 của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Có  4 mức kỷ luật Luật sư vi phạm, đó là khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 - 24 tháng, xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư. Để hạn chế tình trạng này, Liên đoàn tổ chức thường xuyên các khoá bồi dưỡng bổ sung, nâng cao kiến thức về đạo đức hành nghề luật sư. Thời gian tham gia học đạo đức nghề nghiệp tính vào thời gian tham gia bồi dưỡng kiến thức theo Quy định tại Thông tư 10/TT-BTP. Bên cạnh đó, Liên đoàn còn tăng cường giám sát đối với hoạt động hành nghề Luật sư, nghiêm minh trong xử lý kỷ luật theo qui định, đồng thời đấu tranh với các hành vi cục bộ, tiêu cực, nhũng nhiễu để bảo vệ quyền hành nghề Luật sư.