Khát vọng tiếp nối của con em Trường Sa

ANTD.VN - Góp phần giúp những người lính đảo giữ vững nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió chính là những người vợ tần tảo, chắt chiu, giàu đức hy sinh, chịu đựng. Những người vợ ấy, một mình làm hai nhiệm vụ, đồng thời còn “tiếp lửa” cho khát vọng của thế hệ tiếp nối.

Khát vọng tiếp nối của con em Trường Sa ảnh 1Học sinh ở đảo Trí Nguyên (Nha Trang) rất hào hứng và tự hào được hiểu thêm và yêu sâu sắc biển đảo

Khát vọng nối tiếp khát vọng

Có chồng là những người lính đang trực tiếp bảo vệ đảo thiêng, những người phụ nữ này cảm nhận rõ ràng về công việc của chồng mình. Họ hiểu gia đình thương yêu của các anh là nguồn cổ vũ to lớn cho các chiến sỹ bảo vệ biển đảo vững vàng tay súng.

Chị Nguyễn Thị Lý (vợ Trung úy Nguyễn Văn Hoàng, hiện ở Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa) tâm sự: Lo cho chồng, thương chồng bao nhiêu lại ý thức được sự thiêng liêng trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước bấy nhiêu. Tôi luôn nhủ với lòng mình, cuộc sống bình yên ở đất liền hôm nay đều một phần nhờ vào những hy sinh của các chiến sỹ Trường Sa. Cận kề cái chết mà lớp cha anh mình vẫn kiên cường đến cùng thì mình cũng phải tiếp sức cho chồng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chị Lý luôn tâm niệm và nói với chồng mình rằng, chiến thắng nào cũng phải được viết nên bởi máu và nước mắt. Sự thành công nào cũng có những gian khổ nhọc nhằn. Những tâm niệm ấy cũng như lời tâm tình hàng ngày chị nói với đứa con trai là cháu Nguyễn Văn Hải (học sinh trường THCS Cam Thành Nam). Hải cho biết, nhớ bố bao nhiêu lại càng cháy bỏng khát vọng tiếp nối nhiệm vụ của bố bấy nhiêu. Đợt hè 2016 này, bố tranh thủ về nhà nghỉ phép ít ngày và kể cho em nghe biết bao nhiêu chuyện về Trường Sa, về chủ quyền toàn vẹn của đất nước mình. Rồi em  kể lại cho nhiều bạn khác cùng nghe. Đặc biệt, có lần em còn được bố cho giao lưu với một số bạn học sinh ở Trường Sa nữa. Em thấy bố bừng sáng nụ cười khi nghe em nói khát vọng lớn lên lại tiếp tục làm chiến sỹ Trường Sa.

Chị Trần Thị Thu (vợ Trung úy Nguyễn Văn Tùng đang bảo vệ ở đảo Đá Nam của Trường Sa) khẳng định, chồng chị đang từng ngày đối chọi với những thế lực có ý đồ ngang ngược, thâm hiểm để gây hấn nên chúng tôi ở đất liền cũng phải sát cánh bên nhau. Những người vợ lính, con lính kết thành một khối vững chắc và cùng giúp nhau vượt qua mọi thử thách.

Con trai Trung úy Nguyễn Hải, cháu Nguyễn Trung Kiên, học sinh trường THCS Cam Thịnh Tây (Cam Ranh) tự hào: Em luôn được mẹ dạy sau này lớn lên dũng cảm và yêu biển đảo quê hương như cha mình. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh các chiến sỹ Trường Sa ở đâu đó hay qua truyền hình là trong lòng em vui lắm. Mỗi lần bố về phép đều sưu tập cho em rất nhiều sách và băng đĩa nói về chủ quyền toàn vẹn của Trường Sa, về tình yêu mặn nồng, thiêng liêng với Trường Sa. Em càng xem càng thấy tự hào, xúc động. 

Chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Trung úy Phan Thanh Hải đóng quân ở đảo Đá Nam) cũng lắm nhọc nhằn nhưng một lòng động viên chồng hãy giữ vững ý chí bảo vệ biển đảo. Chị bảo hình ảnh chồng như truyền cả vào đứa con trai lớn. Cưới nhau 5 năm thì cũng chỉ gặp nhau được 7 lần. Nếu những người vợ như chúng tôi không kiên định vững vàng để chèo lái gia đình thì chồng sẽ phân tâm. Chị còn mang những câu ví von đầy hình ảnh động viên con mình rằng, nắng gió ở Trường Sa là nắng gió của sự thốc thác, cô đặc, của bão tố, hiểm nguy. Tất cả hun đúc nên “tinh thần thép” của các chiến sỹ. Những ví von ấy đi cả vào giấc ngủ để ươm mầm thành hoài bão nên con trai chị mới 15 tuổi vẫn say sưa kể về Trường Sa với một tinh thần chiến sỹ thực thụ. Chị giãi bày rằng, biết đặt cái chung lên trên cái riêng, đặt cái thiêng liêng trên những điều nhỏ bé thì sẽ thấy cuộc sống rất ý nghĩa. 

Khát vọng tiếp nối của con em Trường Sa ảnh 2Chương trình giao lưu biển đảo của con em Trường Sa

Bồi đắp tình yêu biển, đảo

Để hun đúc thêm ý thức trách nhiệm của các em học sinh, các thầy cô giáo, của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển đảo và chủ quyền thiêng liêng về biển, đảo của Tổ quốc, trong các chương trình giáo dục, ngành giáo dục Khánh Hòa đã lồng ghép nhiều trương trình tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho học sinh, ngay từ cấp tiểu học, trung học cơ sở từ thành thị đến nông thôn. 

Em Nguyễn Trâm Anh, học sinh lớp 8 trường THCS Mai Xuân Thưởng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) hồ hởi: Qua các buổi lễ mít tinh, hội thi về kiến thức biển đảo, chúng em thấy yêu Tổ quốc, yêu biển đảo hơn rất nhiều, cũng ý thức thêm được trách nhiệm cần bảo vệ môi trường. Em Lê Thị Hà, học sinh trường THCS Lý Thái Tổ kể, chúng em đã liên tục có các chương trình ngoại khóa, tổ chức nhóm để cùng nhau tuyên truyền, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hình ảnh và tình yêu dành cho Tổ quốc, cho Trường Sa ngấm sâu vào ý nghĩ”. Em Đặng Văn Mạnh có bố liên tục tăng cường ra Trường Sa làm nhiệm vụ kỹ thuật cho biết: Bố em làm việc ở nhà máy Z753 nhưng năm nào cũng tăng cường ra Trường Sa 7 tháng. Mỗi lần về, bố kể chuyện về biển đảo rất nhiều. Niềm tin yêu biển đảo trong em rất mãnh liệt, chỉ mong nhanh lớn để được ra Trường Sa bảo vệ bình yên cho một phần Tổ quốc thôi. 

Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng Phòng GD-ĐT Nha Trang khẳng định, không chỉ các năm học trước, mà ngay trong đợt hè năm 2016 này, ngành Giáo dục Nha Trang sát sao chỉ đạo các trường tổ chức ngắn ngọn, ưu tiên phần hội. Đặc biệt, chúng tôi đã có chủ trương đẩy mạnh lồng ghép các chương trình tuyên truyền, phổ biến các hiểu biết, kiến thức về chủ quyền biển, đảo quê hương cho các giáo viên, học sinh. Đây được xem là một trong những hoạt động quan trọng, bởi tỉnh Khánh Hòa còn là nơi có quần đảo Trường Sa. Đó là một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước. Nhiều hội thi “Kể chuyện biển đảo” sẽ được triển khai trên diện rộng. Là người có nhiều sáng kiến với các phong trào gắn với tình yêu biển đảo, ông Lập tin tưởng, khi niềm tự hào trong mỗi học sinh về đất nước, về chủ quyền biển đảo được khơi dậy thì đó là sức mạnh, là niềm tin góp phần hình thành nhân cách cao đẹp của các em sau này.  

Thật xúc động khi trước thềm năm học mới 2016-2017; nhiều em học sinh cả thành phố Nha Trang lẫn Cam Ranh đều thấu hiểu được rằng, các vùng biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, biển còn là kho lưu giữ và ghi nhận những trang sử hào hùng về các cuộc chiến tranh giữ nước và lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bao thế hệ đã phải đổ mồ hôi, công sức và cả máu thịt để dựng xây và gìn giữ.

Em Lê Thanh Hải, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang) chia sẻ, sau những giờ học tập trên lớp chúng em lại cùng nhau nói về biển đảo quê hương. Điều gì không biết thì hỏi thêm các thầy cô giáo. Niềm tự hào và kiêu hãnh về các chiến sỹ Trường Sa về lịch sử đất nước mình như “liều thuốc bổ” để các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Nhiều giáo viên và học sinh ở trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 có chung nhận định, đây là một trong những hoạt động thiết thực, sẽ có sức lan tỏa giúp cho hàng nghìn học sinh tăng thêm tình yêu và ý thức trách nhiệm với môi trường và biển đảo. Em Lê Văn Đạt, học sinh lớp 5 cho biết, lần đầu tiên được tham gia chương trình “em yêu biển đảo quê hương” do trường tổ chức, những học sinh tiểu học như chúng em rất háo hức. Được học tập ở một ngôi trường đặc biệt trên đảo Trí Nguyên này, chúng em càng thấy chủ quyền của đất nước, của biển đảo thiêng liêng hơn nữa.