"Khát" lao động cuối năm

ANTĐ - Kinh tế khởi sắc, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh là một trong những lý do chính khiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm nay tăng hơn hẳn so với những năm trước. Trong khi đó, nguồn cung lao động không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng, còn người lao động dễ dàng tìm được cơ hội việc làm hơn.
"Khát" lao động cuối năm ảnh 1

Doanh nghiệp đua giành lao động

Không chỉ tăng cường nhân lực phục vụ mùa bán hàng Tết, thời điểm cuối năm, do kinh tế khởi sắc nên nhiều doanh nghiệp lớn cũng mở rộng kinh doanh, mở thêm chi nhánh vì vậy nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh. Công ty Cổ phần Cơ khí Việt Mỹ cho biết, chỉ riêng năm 2015, doanh nghiệp này đã mở thêm 5 chi nhánh ở các tỉnh thành, dự kiến trong năm 2016 mở thêm 6 chi nhánh nữa.

“Chúng tôi cần thêm rất nhiều nhân sự với đủ các ngành nghề như kế toán, vận tải, bảo hành, kinh doanh - marketing… Đặc biệt, cuối năm, nhân sự vận tải biến động hoàn toàn, chúng tôi phải huy động số lượng nhân viên vận tải rất lớn để phục vụ nhu cầu vật tư cho xây dựng, sửa chữa các công trình, nhà dân. Mỗi chi nhánh, chúng tôi phải tuyển thêm ít nhất 3 lái xe. Nhân viên kinh doanh - marketing thì không giới hạn”, bà Vũ Thị Huệ, Phó phòng Tổ chức hành chính công ty cho biết. 

Siêu thị điện máy Media Mart thời điểm cuối năm cũng khai trương thêm 3 trung tâm mới tại Hà Nội. Đại diện siêu thị cho biết, để phục vụ cho 3 chi nhánh này Media Mart cần thêm khoảng 500 nhân lực cho các vị trí, đồng thời hệ thống siêu thị cũ cũng cần tăng thêm 10% lao động. Để tuyển đủ số lao động này, doanh nghiệp cũng phải huy động mọi kênh quảng bá khác nhau.

Theo bà Bùi Thị An, Phòng Thông tin việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì năm nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng hơn hẳn so với mùa Tết năm ngoái, đặc biệt là nhân lực bán hàng, kinh doanh nhưng ngược lại số lao động đến tìm việc tại Trung tâm lại giảm hơn so với năm ngoái. “Năm ngoái mỗi bàn tuyển dụng thu được vài ba chục bộ hồ sơ một buổi, cần có người điều phối là chuyện bình thường nhưng năm nay gần như không còn tình trạng đó nữa. Số lao động đến đăng ký tìm việc giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 30%”, bà An cho biết.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn cung lao động, theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì đó là một tín hiệu mừng đối với nền kinh tế Thủ đô.

“Một trong những nguyên nhân chính theo tôi đó là kinh tế Hà Nội có sự khởi sắc rõ nét, các doanh nghiệp đều thúc đẩy sản xuất, mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh cung cấp hàng hóa nên nhu cầu nhân lực lớn hơn. Doanh nghiệp rất muốn tuyển người và chúng tôi cũng tìm đủ các kênh để thông tin cho người lao động biết về việc có rất nhiều cơ hội việc làm tốt. Nếu như năm ngoái 1 tuần chỉ có 1 phiên giao dịch việc làm thì năm nay mỗi tuần chúng tôi có 2 phiên vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, ngoài ra còn tổ chức nhiều phiên giao dịch chuyên đề như bán hàng - marketing, phiên giao dịch việc làm cho lao động Hàn Quốc trở về, phiên cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp… Các phiên giao dịch việc làm này đều có rất đông doanh nghiệp tham gia”, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Cũng theo ông Phong, một tín hiệu đáng mừng nữa đối với thị trường lao động năm nay, đó là số lao động mất việc làm đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giảm so với mọi năm. “Năm 2014 có khoảng 34.500 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ việc làm thì năm nay con số này vào khoảng 32.000 người”.

Cẩn thận sập bẫy lao động thời vụ

Cuối năm, như thường lệ thị trường lao động thời vụ rất sôi động do hầu hết các doanh nghiệp đều mở rộng sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong các phiên giao dịch việc làm diễn ra từ tháng 10 trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều, tập trung vào các ngành dịch vụ, thương mại (chiếm đến 80%). Các công việc thời vụ có xu hướng tăng mạnh như bán hàng hội chợ, phát quà khuyến mại, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, thu ngân…

Trong nhóm các ngành tuyển lao động thời vụ, ngành bán lẻ có số lượng tuyển dụng lớn nhất. Bà Vũ Thị Xuyến, đại diện Phòng Nhân sự Siêu thị BigC Thăng Long cho biết, nếu so với các thời điểm khác trong năm, những tháng Tết siêu thị này có nhu cầu nhân sự cao hơn bình thường khoảng 30%, tập trung vào bộ phận thu ngân và bán hàng tại các quầy hàng, trong đó riêng bộ phận thu ngân tăng khoảng 50%. “Chúng tôi sẽ ký hợp đồng với người lao động trong một tháng Tết, sau đó sẽ có đánh giá kết quả làm việc trong một tháng đó, nếu người lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thì sẽ ký hợp đồng chính thức”, bà Xuyến cho biết.

Cũng theo đại diện BigC, năm nay việc tuyển dụng khó khăn hơn mọi năm, do nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu tuyển dụng, trong khi số lao động ứng tuyển thì ít hơn. Vì vậy siêu thị này dù đã tuyển qua nhiều kênh khác nhau như thông qua mạng Internet, tuyển tại các phiên giao dịch việc làm, phát tờ rơi, đưa thông tin về tận các địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tương tự BigC, nhiều siêu thị, trung tâm bán lẻ khác như Media Mart, H7 Mart, Trần Anh… cũng đang rốt ráo tuyển nhân sự cho dịp Tết giúp người lao động có nhiều cơ hội chọn lựa việc làm cho mình. 

Một điểm đáng lưu ý là thời điểm cuối năm, tình trạng lừa đảo việc làm cũng hoạt động mạnh hơn. Rất nhiều trung tâm giới thiệu việc làm thường xuyên đăng tuyển các thông tin tuyển dụng với những vị trí hấp dẫn, lương cao như bảo vệ, trông xe, bán hàng, thu ngân siêu thị… Tuy nhiên khi đến đăng ký, người lao động lại bị yêu cầu đóng phí rồi giới thiệu lòng vòng mà cuối cùng không có việc.

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, anh Lê Quang Sự (Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết, trước đó anh mở cửa hàng bán quần áo, nhưng vì làm ăn thua lỗ nên anh đã xuống Hà Nội với mong muốn kiếm một công việc thời vụ làm mấy tháng tết để có tiền trang trải. Đầu tiên anh tìm đến một địa chỉ tuyển dụng lao động ở quận Bắc Từ Liêm, tại đây anh được yêu cầu đóng 300.000 đồng và hẹn ngày mai đến nhận việc làm. Hôm sau anh được cho địa chỉ đến một một cửa hàng, nhưng khi vào hỏi việc thì cửa hàng này nói đã tuyển đủ người.

Bức xúc quay lại đòi tiền, nhưng anh Sự được nhân viên ở đây hẹn lần lữa hết lần này đến lần khác, chán nản nên anh cũng bỏ luôn số tiền này. Sau đó, nhờ có người bạn giới thiệu nên anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tại đây anh ứng tuyển vào vị trí nhân viên kho của một siêu thị. “Tôi dự định làm xong một tháng Tết để lấy tiền trang trải cuộc sống, nếu công việc phù hợp tôi sẽ tiếp tục”, anh Sự nói.

Với tình trạng lừa đảo trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người lao động cần cẩn thận để tránh “sập bẫy” lừa. Cụ thể, người lao động cần cảnh giác với những trung tâm giới thiệu việc làm có các đặc điểm như: Cơ sở vật chất sơ sài, có khi chỉ một vài bộ bàn ghế; yêu cầu người lao động đóng một khoản tiền vài ba trăm nghìn đồng và hẹn chờ công việc. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì để tránh mắc bẫy việc làm, người lao động cần đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội 1 tuần định kỳ có 2 phiên giao dịch việc làm, người lao động có thể gặp trực tiếp đơn vị tuyển dụng mà không mất phí.  

Thưởng Tết của người lao động sẽ tăng

Kinh tế phục hồi, cùng với nhu cầu giữ chân lao động nên nhiều doanh nghiệp đã có những chính sách thưởng và chăm lo đời sống người lao động vào dịp cuối năm. Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo mức lương, thưởng dự kiến thực hiện dịp Tết dương lịch, âm lịch năm 2016. Bốn nhóm đối tượng được Sở tập trung khảo sát là: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp FDI.

Theo dự báo của Sở thì mức thưởng Tết Nguyên đán 2016 của khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng so với mức trung bình của năm 2015 là 3.700.000 đồng/người. Đánh giá này dựa trên các dấu hiệu tăng trưởng của kinh tế Thủ đô, nguồn việc làm ổn định. Trong khi đó, số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng từ 145.000 lên hơn 150.000 doanh nghiệp nên các doanh nghiệp muốn đảm bảo sản xuất, kinh doanh tất yếu phải có sự động viên để giữ chân người lao động ở cuối năm.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội thì mức thưởng Tết của 4 khối sẽ tăng nhưng không nhiều, một phần bởi doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí từ quy định mới của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, có hiệu lực từ đầu năm 2016. Theo quy định này thì mức đóng BHXH từ năm 2016 sẽ gồm mức lương và phụ cấp của lao động, vì vậy nhiều doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm chi phí đóng BHXH.