Khất lần “nợ dân”

(ANTĐ) - Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình xin ý kiến Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Trong khi đó các nhà soạn thảo luật này vẫn đang “ôm nợ” Quốc hội, đặc biệt là với người dân.

Khất lần “nợ dân”

(ANTĐ) - Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình xin ý kiến Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Trong khi đó các nhà soạn thảo luật này vẫn đang “ôm nợ” Quốc hội, đặc biệt là với người dân.

Họ đã khất lần không thể chế hóa tới 27 nội dung dưới dạng các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục đã được ban hành cách đây 4 năm. Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, không riêng Bộ GD-ĐT, các Bộ khác cũng đang “nợ dân” tới 300 nội dung hướng dẫn thi hành luật thuộc lĩnh vực do họ quản lý, mặc dù luật đó đã được Quốc hội thông qua từ lâu.

Trong số các Bộ luật chuyên ngành, tình trạng “nợ dân” tồn đọng nhiều nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, doanh nghiệp. Một ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẳng thắn đặt câu hỏi và trả lời luôn: “Vì sao các Bộ không có hướng dẫn thi hành luật, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, công việc của doanh nghiệp? Đó là do họ né tránh, giành thuận lợi về phía mình, đẩy phần khó về phía người dân”. Các nhà luật gia nhận xét rằng, không giống nhiều quốc gia trên thế giới, các Bộ luật chuyên ngành ở Việt Nam thường được các Bộ chủ quản chấp bút soạn thảo và trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua.

Nói một cách cụ thể, các cơ quan hành pháp đang chia sẻ trách nhiệm với cơ quan lập pháp. Hành pháp “giẫm chân” lập pháp. Thực tế này tất yếu dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý “giành phần thuận lợi” trong quá trình xây dựng luật và hướng dẫn thi hành luật. Thực tế này có thể dẫn ra hàng loạt ví dụ. Các chuyên gia soạn thảo Luật Bưu chính đang trình Quốc hội xem xét, đã đề nghị bảo vệ vị trí chủ chốt của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.

Họ phải cố gắng tạo thuận lợi trong việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này và làm khó cho các doanh nghiệp trong ngành muốn chen chân cạnh tranh. Đã có tới 300 giấy phép con của các Bộ, ngành bị bãi bỏ sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào năm 2000 và được sửa đổi năm 2005, tạo ra một “luồng gió” kinh doanh lành mạnh. Kết quả ngoạn mục này có được là do sự kiên trì và công tâm của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Hiện nay tổ này đã giải thể và hệ quả là, các loại giấy phép con lại được “cài cắm” trở lại vào các Bộ luật chuyên ngành.

Một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, các nhà quản lý ở cấp Trung ương và cả địa phương đã ban hành tới 250-300 thủ tục đầu tư xây dựng bất chấp tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng. Tình hình ở địa phương lại càng rắc rối hơn. Theo cơ chế hiện hành, HĐND, UBND vẫn được quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Điều đáng quan tâm là liệu các văn bản đó có trái với cam kết WTO hay trái với quy định của luật pháp Trung ương hay không.

Tới nay, chính quyền địa phương tỏ ra “xót xa” khi phải cắt bỏ một số văn bản đã ban hành trái với cam kết WTO. Chẳng hạn TP.HCM chỉ bỏ đi 6 trong 540 văn bản. Hà Nội mới dám cắt đi 3 trong số 130 văn bản. Một đại biểu Quốc hội nhận xét, các Bộ, ngành ban hành hàng ngàn văn bản hàng năm, trong đó rất nhiều văn bản sai trái, không phù hợp, thiếu tính khả thi và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cơ quan có trách nhiệm “thổi còi” các chính sách ban hành “vượt đèn đỏ” cũng chịu nhiều sức ép. Cục này đã yêu cầu bãi bỏ hàng loạt văn bản từng gây tranh cãi. Ông Cục trưởng Cục này cũng thừa nhận, khi phát hiện ra văn bản sai quy định pháp luật, người ta sử dụng mối quan hệ quen biết hoặc bằng cách này cách kia tác động ngược trở lại cơ quan thẩm định. Quốc hội với tư cách cơ quan lập pháp tối cao có lẽ phải đề ra quy định không xem xét thông qua dự án luật do Bộ nào soạn thảo mà lại đang “nợ dân” các văn bản hướng dẫn.

Đan Thanh