Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử”:

Khẳng định chủ quyền không thể lay chuyển

ANTĐ -  Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử”, được giới thiệu tới người dân Thủ đô từ ngày 9-7 đến hết ngày 15-7 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ. 

Trước đó, triển làm được trưng bày tại Đà Nẵng và Hà Tĩnh.

Ngoài việc góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, triển lãm tại Hà Nội lần này, còn cung cấp tới người xem nguồn tư liệu chuẩn xác và hệ thống, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Khẳng định chủ quyền không thể lay chuyển ảnh 1
Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ Việt Nam vẽ năm 1834)
đã có Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Nguồn: NXB Bản Đồ

Tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình, triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước.

Tư liệu ở các giai đoạn trước thế kỷ 17 và sau thế kỷ 19 được giới thiệu ở mức cần thiết và hợp lý, vừa làm cơ sở cho người xem hiểu rõ ngọn nguồn lịch sử, vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, tiếp nối, với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đến cùng, bất chấp những diễn biến phức tạp và khó khăn khôn lường. 

Các bản đồ và tư liệu được trưng bày theo 5 chủ đề: Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ 16-19) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ 16-19) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ 16-20) ghi nhận hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc; Bản đồ Trung Quốc do nhà nước Trung Quốc xuất bản (thế kỷ 16-20) ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc Trung Quốc; Tư liệu hình ảnh và các tư liệu Hán-Nôm của Việt Nam trong thời Nguyễn và thời kỳ trước năm 1975.

Các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau giúp người xem có thể dễ dàng kiểm chứng, đối chiếu làm tăng thêm độ chuẩn xác và giá trị của mỗi bản đồ, tư liệu cũng như toàn bộ hiện vật trưng bày trong triển lãm, góp phần khẳng định một thực tế lịch sử khách quan, trong nhiều thế kỷ liên tục, nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ quốc gia nào. 

Đặc biệt, từ đầu thế kỷ 17 với việc thành lập hải đội Hoàng Sa, Chúa Nguyễn đã chính thức xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cắt cử người ra hai quần đảo này để khai thác hải vật, đo đạc thủy trình, cắm mốc chủ quyền và lập bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Việc Việt Nam khai phá và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng được các nhà hàng hải, nhà địa lý học, thương gia phương Tây ghi nhận qua những tư liệu xuất bản tại phương Tây từ thế kỷ 16 đến 19.

Bản đồ phương Tây cũng đồng thời xác nhận lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam. Trong khi đó, bản đồ do chính nhà nước Trung Quốc xuất bản trước đây cũng như bản đồ Trung Quốc vẽ theo quan niệm truyền thống đều xác nhận Trung Quốc không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thậm chí một số thư tịch, bản đồ Trung Quốc đã trực tiếp hay gián tiếp xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam. 

Trong đó, 3 cuốn Atlas do nhà nước Trung Quốc xuất bản bao gồm: Atlas Trung Quốc địa đồ (1908) bằng tiếng Anh, Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) in bằng 3 thứ tiếng Trung-Anh-Pháp, Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933) in bằng 3 thứ tiếng Trung-Anh-Pháp không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và chỉ rõ biên giới cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các Atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân quốc tái bản vào các năm 1919 và 1933 thì hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi lý của Trung Quốc. 

Bản đồ và tư liệu trưng bày lần này là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.

Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược đến thời kỳ ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Triển lãm bản đồ và tư liệu  “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử” giới thiệu tại Hà Nội được mở rộng và chú giải đầy đủ hơn, có thêm phần chú giải bằng tiếng Anh, tiếng Trung và do Bộ Thông tin và Truyền thông  phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện. 

GS Sử học Phan Huy Lê: Nhận thức vững chắc, sức mạnh nhân lên

Khẳng định chủ quyền không thể lay chuyển ảnh 2

Người dân Việt Nam ai cũng tha thiết tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng chỉ với ý chí và tình cảm thôi chưa đủ mà còn cần tới một nhận thức vững chắc, bác bỏ mọi luận điểm sai trái của Trung Quốc về vùng biển thiêng của Tổ quốc. Triển lãm này đã cung cấp tới người xem hệ thống kiến thức đầy đủ và chuẩn xác về việc thực thi chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam kéo dài qua nhiều thế kỷ cho tới nhà nước CHXHCN Việt Nam ngày nay. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, tôi tin rằng, sức mạnh của nhân dân trong việc bảo vệ biển đảo Tổ quốc sẽ nhân lên gấp bội đặc biệt là thế hệ trẻ. Tôi mong rằng, các trường học sẽ tổ chức cho các em học sinh tới tham quan triển lãm để giáo dục truyền thống yêu nước và sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Kỹ sư Trần Thắng, chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt nam tại Hoa Kỳ: “Là người Việt Nam, tôi có trách nhiệm bảo vệ đất nước”

Khẳng định chủ quyền không thể lay chuyển ảnh 3

Từ năm 2011, tôi đã bắt đầu công việc sưu tầm và tìm mua các bản đồ cổ về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sau 2 năm cần mẫn tìm kiếm trên mạng và các trường đại học, tôi đã mua được 150 bản đồ được xuất bản ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc từ năm 1626 - 1680 và 3 tập Atlas với số tiền lên tới 13 nghìn USD. Tôi làm công việc này hoàn toàn tự nguyện chỉ với ý nghĩ: “Mình là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, trong khi các tư liệu quý giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển thiêng của Tổ quốc đang trôi nổi trên nước Mỹ, vậy tại sao mình không giúp sức cho quê hương bằng việc mua lại các tư liệu này”. Tôi đã gửi tặng 80 bản đồ trong số đó cho Viện Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng với lòng tin rằng, về Việt Nam, những tấm bản đồ đó sẽ phát huy tốt nhất giá trị của chúng – những bằng chứng khoa học để bác bỏ đòi hỏi vô lý của Trung Quốc.

Chiến sỹ Trịnh Ngọc Đức - Lữ đoàn 170 quân chủng hải quân, đóng tại Quảng Ninh: “Tôi muốn đóng góp sức mình”

Khẳng định chủ quyền không thể lay chuyển ảnh 4

Đơn vị của tôi có khoảng 15 người cùng tham dự triển lãm. Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những tư liệu, bản đồ được trưng bày ở triển lãm này đã minh chứng hết sức rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Triển lãm không chỉ đưa ra những tư liệu lịch sử trong nước mà cả của nước ngoài và Trung Quốc, có những hình ảnh, chú thích cụ thể, dễ hiểu. Đấy là những bằng chứng hết sức thuyết phục. Cũng như những người lính hải quân đang công tác khắp vùng biển cả nước, chúng tôi hứa là hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.