Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, chủ động ứng phó mọi tình huống mưa lũ

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Cùng với đó, sẵn sàng các lực lượng tại chỗ để ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra.

* 20 người chết, 12 người mất tích

* Thêm một áp thấp hoạt động trên biển

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra yêu cầu này tại cuộc họp khẩn cấp đối phó với mưa lớn, lũ lụt, không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, được tổ chức chiều 11-10, tại Hà Nội.

Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, chủ động ứng phó mọi tình huống mưa lũ ảnh 1Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) bị sập trong cơn lũ

Chủ động sơ tán người dân khỏi vùng  nguy hiểm     

“Các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1533 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11-10 về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, chủ động sơ tán dân ra khỏi những vùng bị cô lập, những vùng nguy hiểm xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Kiên quyết không để người dân nào bị đói rét, không để dịch bệnh phát sinh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Biểu dương các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là lực lượng vũ trang, cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, các cơ quan thông tấn, báo chí ... trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp, thông tin đối với việc ứng phó với mưa lũ và thực hiện tốt phương châm ứng phó “4 tại chỗ”. Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành và địa phương nỗ lực trong việc tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, bị thương. Chủ động hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc cho người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ. 

“Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như tình huống áp thấp nhiệt đới, áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão đổ bộ trong những ngày tới”, Phó Thủ tướng yêu cầu. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Các đơn vị chức năng phải đảm bảo vận hành an toàn các công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện. Cụ thể, Bộ NN&PTNT chủ trì, chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ lợi, đặc biệt chú ý những hồ đã đầy nước, các hồ yếu, xuống cấp nguy hiểm. Đối với 31 hồ thuỷ điện khu vực Bắc Trung bộ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát thường xuyên, đảm bảo vận hành an toàn công trình, an toàn cho hạ du. Bộ Công Thương chủ động đảm bảo an toàn mạng lưới điện cho sản xuất và sinh hoạt; Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an huy động lực lượng khắc phục sự cố các công trình giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn trong mưa lũ. 

Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, chủ động ứng phó mọi tình huống mưa lũ ảnh 2Đoàn xe bị kẹt do sạt đường ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình

20 người chết vì mưa lũ

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ ngày 9 đến 11-10, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to, trong đó tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm. Một số trạm có lượng mưa lên tới hơn 550 mm. Dự báo đến trưa 12-10, lượng mưa tiếp tục duy trì khoảng 100 mm từ nam Sơn La đến bắc Nghệ An, trọng tâm là Hòa Bình và Thanh Hóa.

Còn theo cáo cáo nhanh của các địa phương tính đến 13h ngày 11-10, đã có 20 người chết (Thanh Hóa: 3 người; Nghệ An: 8 người; Sơn La: 5 người; Hòa Bình: 4 người) và 12 người mất tích (Yên Bái: 4 người; Hòa Bình: 1 người; Thanh Hóa: 3 người; Sơn La: 3 người; Quảng Trị: 1 người).

Ngoài ra, có 5 người bị thương (Hòa Bình: 1 người; Thanh Hóa: 3 người; Sơn La: 1 người); 81 nhà bị sập: (Hòa Bình: 4 nhà; Sơn La: 64 nhà; Yên Bái: 8 nhà; Thanh Hóa: 3 nhà; Hà Tĩnh: 2 nhà); 3.127 nhà bị ngập (Yên Bái: 212 nhà, Hòa Bình: 5 nhà; Phú Thọ: 223 nhà; Thanh Hóa: 432 nhà; Nghệ An: 735 nhà; Hà Tĩnh: 1.519 nhà); 135 nhà phải di dời khẩn cấp (Yên Bái 13 nhà; Phú Thọ 91 nhà; Hòa Bình 22 nhà; Sơn La 9 nhà). Tuyến đê tả Chu (đê cấp 2) tại tỉnh Thanh Hóa từ K17+245 – K17+332: bị sạt lở mái đê phía sông.

Dự báo, mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và các tỉnh miền núi Tây Bắc. Lũ trên sông Mã tại trạm Giàng có thể lên mức tương đương lũ lịch sử năm 1980. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng sẽ lên nhanh.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay, một áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines. Hồi 13h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 130,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. 

Đến 13h ngày 12-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Ludong (Philippines) khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và có khả năng mạnh thêm.

Khẩn trương sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, chủ động ứng phó mọi tình huống mưa lũ ảnh 3Các tuyến đường trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) bị ngập diện rộng, nên CATP Vinh đã tổ chức đội cứu hộ giúp dân di chuyển

Thủy điện Hòa Bình mở 8/12 cửa xả lũ 

Đến 11h sáng 11-10, thủy điện Hòa Bình đã mở 8 trên tổng số 12 cửa xả đáy để xả lũ. Đây là một trong những lần mở cửa xả đáy lớn nhất trong lịch sử. Lần mở cửa xả đáy lớn nhất trong lịch sử, hồ Hòa Bình cũng mở 8 cửa vào khoảng cuối những năm 1990.

UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm: 

Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt...; các công trình hồ chứa đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu, xã Tu Lý (huyện Đà Bắc), hồ Khang Mời, xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình), hồ Kem, xã Địch Giáo và hồ Rộc Chu, xã Ngọc Mỹ (huyện Tân Lạc)...

Thanh Hóa: Vỡ đê sông Hoàng, hơn 100 nhà dân bị ngập

Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại Thanh Hóa, tuyến đê hữu sông Hoàng đoạn chảy qua làng Tế Độ, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, bị rạn vỡ. Vết nứt lan rộng và khoảng 5m đê bị cuốn trôi làm hơn 100 nhà dân bị ngập sâu. UBND xã đã huy động hơn 300 công an, dân quân và người dân khẩn trương vá đê. Đến 11h trưa 10-10, đoạn đê vỡ cơ bản được khắc phục.

Cũng vào chiều tối 10-10, trên đường đi kiểm tra lũ về, xe ô tô của Đồn Biên phòng Yên Khương (Thanh Hóa) đã bị lũ cuốn, trên xe có 1 thượng tá và 1 đại úy là cán bộ chỉ huy. Trong sáng 11-10, các ban, ngành đã huy động khoảng 1.000 người để tìm kiếm.