Khám phá thiên nhiên hoang sơ giữa Hà Nội

ANTĐ - Những ngày thời tiết mát mẻ hiếm có của tháng 6 khiến cho những bước chân ưa xê dịch không muốn lên núi ăn mận tam hoa hay xuống biển nướng hải sản, chỉ muốn đi chơi ngay trong lòng Hà Nội. Ý kiến đưa ra là đến tham quan một nơi nghe nói đã có từ lâu nhưng giờ mới đi vào hoạt động-Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vừa mới khai trương và đi vào hoạt động

Sau quãng thời gian 10 năm đằng đẵng tìm địa điểm “an cư”, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động tại 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, mở cửa đón khách tham quan. Tưởng chỉ mải mê với những cung đường cua tay áo, những bãi biển hoang sơ, những khu rừng nguyên sinh và điệu múa xòe Thái Tây Bắc, những “dân phượt” xưa nay vốn mê mải với những chuyến đi đã thực sự ấn tượng với mẫu vật ở đây. Những mẫu vật tái hiện sự tiến hóa qua 4 tỷ năm, các mẫu vật hóa thạch, muôn vàn cây, thú tiêu bản.

Bảo tàng Thiên nhiên còn khá khiêm tốn, với diện tích trưng bày hơn 300m2 về nguồn gốc sự sống, lịch sử sự sống và sự sống thời hiện tại. Tại đây có hơn 2.000 mẫu địa chất cổ sinh với hơn 800 mẫu hóa thạch có niên đại 203 - 175 triệu năm. Từng được xem tận mắt bọ hóa thạch trên đỉnh cột cờ Lũng Cú hay sưu tầm được những mẫu than đá còn nguyên vân lá cây ở Hòn Gai nhưng chúng tôi  vẫn sững sờ trước mẫu hóa thạch bọ ba thùy in trên đá và hóa thạch cúc đá khổng lồ có đường kính tới 80cm. Rồi từng để cho con bọ que bò trên tay khi lang thang trong rừng Cúc Phương nhưng con bọ que có cánh thì cũng chưa “phượt thủ” nào nhìn thấy khiến cho chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ngạc nhiên sao được khi bảo tàng có hơn 25.000 mẫu gồm bướm, bọ cánh cứng, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, bọ ngựa… Và có cả những mẫu quý hiếm chưa thấy bao giờ như bướm Phượng cánh chim, bướm lá, bọ lá, bọ hung 5 sừng, cua bay.

Cúc đá khổng lồ 80cm

Vốn đã có những đêm ngủ giữa rừng nguyên sinh hoang sơ trong tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng con chim dù dì gọi bạn cứ “dủ dỉ, dù dì” nhưng đây là lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy con dù dì phương Đông. Những tiếng “ồ, ơ” thốt lên khi nhìn thấy những mẫu vật trong bảo tàng mà chúng tôi từng thấy ngoài thiên nhiên nhưng chúng thật kỳ lạ về kích thước, về màu sắc và đa dạng về chủng loại. Nhớ chuyến lặn biển Nha Trang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những rặng san hô sống động nhưng chưa ai thấy san hô phễu y hệt một chiếc lọ hoa nghệ thuật và con cá mặt trăng to như tấm phản đơn. Nhớ chuyến ra Trường Sa, chúng tôi cũng thấy những chiếc vỏ sò tượng to bằng cả chiếc laptop nhưng mẫu sò tượng ở bảo tàng thì “khủng” hơn, có những cặp vỏ sò bằng cả chiếc va li kéo.

San hô phễu đặc biệt

Như một bộ phim 3D kể về sự sống thời khủng long và cuộc sống dưới đại dương bao la, thế giới thiên nhiên Việt Nam mở ra rộng lớn hơn trong phạm vi 300m2 trưng bày. Những đứa trẻ con được bố mẹ cho đi thăm bảo tàng hôm ấy tỏ ra thích thú nhất khi được chụp ảnh với khủng long, với con hổ vằn hay so váy có in hình côn trùng với các mẫu côn trùng xem có giống hay không. Tôi soi kỹ từng loại lá cây rồi nhớ lại xem đã gặp trong những chuyến đi ở đâu khi bảo tàng có tới hơn 10.000 mẫu thực vật và nấm. Rồi tôi kể cho con gái của mình rằng đây là loài gì, cây gì bố đã thấy chúng ở đâu. Rồi lại đến lượt con tôi, ríu rít khoe với nhau đằng này có con gì, đằng kia có cây gì. 

Chỉ gói gọn trong vòng một buổi sáng thứ bảy nhưng chuyến “phượt chuyên đề” thực sự lại mang lại hiệu quả đối với những bước chân ưa xê dịch khi được tìm hiểu thiên nhiên một cách sâu sắc có hệ thống hơn, biết được vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam với những giá trị to lớn ngoài phong cảnh và văn hóa.