"Khai tử" những cơ sở dạy nghề yếu kém

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện sắp xếp lại những trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả theo hướng sáp nhập, thậm chí giải thể.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là nhiệm vụ trọng tâm

Từ năm 2017, Chính phủ đã có Nghị quyết thống nhất giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, giải quyết dứt điểm tình trạng thất nghiệp, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Trước tiên, cơ quan này sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Với những địa bàn có nhu cầu, những nghề và trường có chất lượng sẽ duy trì, phát triển. Những trường trong 3 năm tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc.

Phân tích về phương án tái cấu trúc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, việc quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp với những cơ sở yếu kém sẽ sắp xếp theo hướng sáp nhập hoặc giải thể. Loại thứ nhất là sáp nhập vào các trường khác nhằm tận dụng cơ sở, mạng lưới qua đó hình thành nên các trường trọng điểm chất lượng cao. Những trường trung cấp chỉ sống bằng liên kết cho thuê địa điểm, tuyển sinh không đáp ứng được chỉ tiêu…sẽ là đối tượng đầu tiên được tái cấu trúc. Ngoài ra, trong một số trường hợp do điều kiện cơ sở vật chất và một số điều kiện khác chưa đáp ứng được cho việc sáp nhập thì sẽ phải giải thể.

Về lâu dài, Bộ sẽ trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng, mỗi tỉnh ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn sẽ có từ 1-2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có quy mô lớn và đủ sức “dẫn dắt” lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong trường cao đẳng có thể có các trường trung cấp, trung tâm vệ tinh bên trong.

Ngoài ra, Bộ sẽ cân nhắc việc quy hoạch trường nghề ở khu vực trọng điểm kinh tế, nhu cầu nhân lực lớn. Theo đó, các trường sẽ có cơ hội được giao quyền tự chủ lớn hơn, giảm dần chi thường xuyên của nhà nước và các đầu mối để ưu tiên đầu tư.

Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng sẽ có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao. Tới năm 2030, con số các trường cao đẳng chất lượng cao sẽ là 200 trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục.