Khai thác nước ngầm tại Hà Nội: Mạnh ai nấy làm

(ANTĐ) - Hiện nguồn nước mặt tại các thành phố lớn đang bị ô nhiễm nặng nên nước ngầm được coi là giải pháp cứu nguy. Mặc dù đã có quy định về việc khai thác nguồn nước ngầm nhưng trên thực tế tại Hà Nội nguồn nước ngầm vẫn đang bị khai thác tràn lan theo kiểu... mạnh ai nấy làm.

Khai thác nước ngầm tại Hà Nội: Mạnh ai nấy làm

Kỳ 1: Mạnh ai nấy làm!

(ANTĐ) - Hiện nguồn nước mặt tại các thành phố lớn đang bị ô nhiễm nặng nên nước ngầm được coi là giải pháp cứu nguy. Mặc dù đã có quy định về việc khai thác nguồn nước ngầm nhưng trên thực tế tại Hà Nội nguồn nước ngầm vẫn đang bị khai thác tràn lan theo kiểu... mạnh ai nấy làm.

Quảng cáo khoan giếng được dán tại nhiều ngõ, ngách trên địa bàn Hà Nội (ảnh chụp chiều 2-12-2008 tại ngã ba Bạch Đằng - Vạn Kiếp, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Quảng cáo khoan giếng được dán tại nhiều ngõ, ngách trên địa bàn Hà Nội (ảnh chụp chiều 2-12-2008 tại ngã ba Bạch Đằng - Vạn Kiếp, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Người dân khai thác tràn lan

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu hố khai thác nước ngầm đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ cần đi vào các khu dân cư trên địa bàn thành phố đâu đâu chúng ta cũng gặp các giếng khoan khai thác nước ngầm, việc sử dụng và bơm nước từ các giếng khoan tại gia đình diễn ra khá phổ biến.

Khảo sát thực tế tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho thấy hầu hết các gia đình đều sử dụng nước bơm từ dưới lòng đất lên để sử dụng. Theo người dân địa phương, trên địa bàn chỉ có một số ít hộ gia đình sử dụng 100% nước máy. Còn lại, đa số các hộ đều sử dụng cả nước máy và nguồn nước bơm từ các giếng khoan của gia đình. Người dân chỉ sử dụng nước máy vào việc nấu ăn, uống; các sinh hoạt khác đều sử dụng nước giếng khoan. Lý giải về việc trên, người dân địa phương cho rằng trước đây chưa có nước máy người dân đã tự thuê thợ về khoan giếng, nguồn nước ở đây gần sông Hồng nên rất trong. “Nếu chỉ dùng nước máy sẽ mất cả trăm nghìn mỗi tháng nên các gia đình đều khoan giếng để lấy nước sử dụng. Nước bơm từ giếng khoan lên sử dụng thoải mái hơn...” - bác Thịnh, một người dân phường Phú Thượng cho biết.

Mặc dù nguồn nước tại một số khu vực như: Hạ Đình (quận Thanh Xuân), Pháp Vân, Định Công, Kim Giang (quận Hoàng Mai), Bạch Mai, Bách Khoa, Kim Liên, Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng)... đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiễm amôni cao hơn 20-30 lần mức cho phép nhưng người dân vẫn thuê thợ về khoan để lấy nước sử dụng. Cũng giống như một số người dân ở phường Phú Thượng, hầu hết người dân cho rằng chỉ sử dụng nước giếng khoan để tắm giặt, rửa xe, rửa nhà... không sử dụng để nấu ăn, uống. Với suy nghĩ trên nên hầu hết các gia đình đều có giếng khoan khai thác nước ngầm ngay tại nhà riêng.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết việc khoan, khai thác nước ngầm của các hộ gia đình đều không có giấy phép theo quy định. Khi cần khoan giếng, các hộ gia đình chỉ cần gọi theo số điện thoại dịch vụ khoan giếng để thỏa thuận giá cả, sau đó mua 1 máy bơm nước để hút nước lên. Với giá khoan dao động hiện nay từ 2,5-3 triệu đồng/giếng (tùy theo địa chất của từng khu vực). Chỉ trong 1 buổi là có thể hoàn thành 1 giếng khoan, và khi giếng khoan có nước thì chủ nhà mới phải trả tiền. Do vậy, hầu hết các gia đình đều thuê thợ về khoan để lấy nước sử dụng.

Doanh nghiệp cũng  vi phạm

Không chỉ các hộ gia đình thực hiện việc khoan giếng, khai thác nước ngầm không có giấy phép mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đang vi phạm nghiêm trọng. Trong thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra các lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều cơ sở vi phạm trong việc khai thác tài nguyên nước.

Điển hình, ngày 30-9-2008, Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thương mại và môi trường của Công ty cổ phần ANCO có cơ sở tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, do ông Nguyễn Hoàng Dương làm giám đốc. Trong quá trình kiểm tra các lực lượng chức năng phát hiện Công ty ANCO có 1 giếng khoan hút nước sâu 65m, đường kính 150mm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Trước đó, sáng 26-9-2008, Phòng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội. Qua kiểm tra cho thấy công ty này hiện có 12 nhà máy nước, 9 trạm bơm với tổng số 226 giếng khoan khai thác nước ngầm. Trong đó có 169 giếng khoan tại 8 nhà máy chưa có giấy phép khai thác nước ngầm. Được biết, mỗi ngày công ty này hoạt động khai thác khoảng 378.000m3/ngày đêm (chiếm 68% lượng khai thác) là nước khai thác trái phép. Sáng 25-9-2008, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra tại Nhà hàng Phương Nguyên, thuộc Công ty Dịch vụ ăn uống Phương Nguyên, ở đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhà hàng có tổng cộng 6 giếng khai thác nước ngầm, trong đó 3 cái đang khai thác. Điều đáng nói cả 6 giếng khoan khai thác nước ngầm trên đều không có giấy phép khai thác.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội có trên 750.000m3 nước ngầm được hút lên từ lòng đất. Phần lớn lượng nước ngầm đang khai thác đều không có phép. Do việc khai thác tùy tiện và tràn lan, thiếu khoa học, không theo quy hoạch nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước. Nguồn nước ngầm trên địa bàn Hà Nội đang bị ô nhiễm, cạn kiệt...                

(Còn nữa)

Khoản 3, điều 12 - Nghị định 34/2005/NĐ-Cp ngày 17-3-2005  của Chính phủ quy định phạt tiền từ 10.000.000-14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hành nghề khoan nước dưới đất ở ngoài khu vực quy định của giấy phép;

b) Sử dụng giấy phép hành nghề của cá nhân, tổ chức khác để hành nghề khoan nước dưới đất;

c) Hành nghề khoan nước dưới đất mà không có giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật, phương tiện; Tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi, khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng của nguồn nước...

Đăng Khoa – Việt Anh