Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Đặt lợi ích quốc gia trên hết

ANTĐ - Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước 5 năm qua (2011-2015) và hướng đến chặng đường 5 năm tới (2016-2020), Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế, yếu kém và chỉ rõ 7 bài học kinh nghiệm cần tiếp thu, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh hơn, vững mạnh hơn. Đây cũng là nội dung quan trọng được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, sáng 21-3. 

Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Đặt lợi ích quốc gia trên hết ảnh 1Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Đà phục hồi còn chậm, cơ cấu chi chưa hợp lý

Trình bày về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, giai đoạn 2011-2015 vừa qua, thành tựu quan trọng hàng đầu của đất nước là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, đều vượt mục tiêu đề ra. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu…

Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Đặt lợi ích quốc gia trên hết ảnh 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khai mạc kỳ họp 11 - Quốc hội khóa XIII

Dù vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém. Phó Thủ tướng    Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn và còn thất thu. Tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; Toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; Bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9%/năm, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%). Khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn lớn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra, cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Một lĩnh vực quan trọng khác là công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi; tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng…

7 bài học kinh nghiệm quan trọng

Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại, thách thức trong 5 năm qua, Chính phủ rút ra 7 bài học kinh nghiệm cần tiếp thu để phát triển mạnh hơn, thực hiện tốt hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới.

Cụ thể: Phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất; Phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; Phải thường xuyên chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý; Tăng cường khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế; Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền thông tin kịp thời chính xác, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. 

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và giai đoạn 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển đồng bộ các loại thị trường, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung phát triển các vùng và khu kinh tế.

Đặc biệt, phải tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ; Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế…

Thẩm tra về báo cáo này của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm vừa qua, giúp quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng lên.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể và tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, vững mạnh hơn, trong đó cần tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ cần quan tâm xử lý ùn tắc giao thông 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, rà soát lại các trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân; Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... 

Một số chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020

*Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm.
 
*Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD.

*Bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP.

*Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.

*Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%. 

*Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%.

*Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

*Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tạo thế và lực mới cho đất nước

Đọc diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp này sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng đến vận mệnh đất nước.

Kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; cũng là năm Quốc hội khóa XIII và các cơ quan tổ chức trong bộ máy Nhà nước hoàn thành nhiệm kỳ hoạt động của mình.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ đan xen, kỳ họp thứ 11 sẽ đánh giá lại chặng đường đã qua và đề ra các việc cần làm trong những năm tiếp theo, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới.  

Điểm qua các nội dung quan trọng sẽ được xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.  

Công bố lịch bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

Theo kế hoạch chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, bắt đầu từ ngày 30-3 tới, nội dung về việc kiện toàn bộ máy nhân sự Nhà nước, trong đó có việc miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ bắt đầu, kéo dài tới ngày 12-4.

Cụ thể, ngày 30-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, sau đó sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ngày 2-4, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước; sau đó bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ngày 6-4, Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ và trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Ngày 7-4, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi được bầu, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tiến hành tuyên thệ.