Khai mạc kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII: Đổi mới, quyết sách nhiều vấn đề hệ trọng quốc gia

ANTĐ - Ngày 19-10, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố chương trình và nội dung kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kỳ họp thứ 10 sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay (20-10), dự kiến kéo dài trong 31 ngày làm việc, tập trung thảo luận những quyết sách quan trọng của đất nước cũng như sẽ cho ý kiến và thông qua nhiều luật quan trọng.             

*Quốc hội sẽ chất vấn đột xuất bất kỳ Bộ trưởng nào

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (bên trái) công bố chương trình kỳ họp thứ 10

Thông qua 18 luật, 14 nghị quyết

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 18 luật và 14 nghị quyết quan trọng gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Phí và lệ phí… Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật khác như: Luật về hội, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)…

Đặc biệt, Quốc hội dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020…

Ngoài ra, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến vào các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chính phủ về công tác thi hành án, phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, trên cơ sở đó nghiên cứu điều chỉnh văn bản pháp luật cho phù hợp thông lệ quốc tế khi chúng ta hội nhập sâu rộng.

Sẽ bầu Tổng Thư ký Quốc hội 

Một điểm đáng chú ý khác là tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Tổng Thư ký Quốc hội, bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội đồng bầu cử Quốc gia dự kiến sẽ bầu 21 thành viên, trong đó Quốc hội sẽ trực tiếp bầu Chủ tịch và phê duyệt các Phó chủ tịch Hội đồng. Ngày bầu cử quốc gia sẽ được Quốc hội công bố vào 22-5-2016.

Về việc bầu chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ kiêm nhiệm chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và thực tế nhiệm vụ của chức danh này không khác so với nhiệm vụ của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nay, chủ yếu để cụ thể hóa Luật Tổ chức Quốc hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng tại kỳ họp, các ĐBQH sẽ cho ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ, việc cho ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng sẽ được thực hiện tại đoàn. Sau đó, đoàn thư ký kỳ họp sẽ tổng hợp và gửi cho cơ quan soạn thảo văn kiện để tiếp thu. Thời gian góp ý kiến được dự kiến nửa ngày làm việc giữa kỳ họp.

Chất vấn lời hứa của các Bộ trưởng

Tiếp tục trả lời báo chí, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, nội dung chất vấn tại kỳ họp này sẽ được đổi mới theo hướng chất vấn tổng thể, không theo từng lĩnh vực. Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII tới nay; xem xét thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, tư lệnh ngành.

Trên cơ sở đó, các ĐBQH sẽ chất vấn trực tiếp với bất kỳ một Bộ trưởng, thành viên Chính phủ nào ngay tại phiên họp để làm rõ những lời hứa nào đã làm được, vấn đề nào chưa giải quyết xong, nguyên nhân vì sao.

Với sự thay đổi này, trong 2,5 ngày chất vấn, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải dự đầy đủ và sẵn sàng trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ dự và có thể trả lời, bao quát lại tất cả các lĩnh vực chất vấn mà các thành viên Chính phủ đã trả lời. Trên cơ sở đó, Quốc hội có thể ra nghị quyết về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn để truyền đạt lại cho Quốc hội khóa sau để tiếp tục giám sát.