Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng vọt

ANTD.VN - Hai tháng đầu năm nay, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã tăng vọt (tới 31%) so với cùng kỳ 2017. Dù vậy, các sản phẩm du lịch của Hà Nội vẫn được cho là chưa thực sự đặc sắc, chưa hấp dẫn để giữ khách lưu trú.

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội báo cáo về kết quả phát triển du lịch

Chiều nay, 21-3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã làm việc với Sở Du lịch thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy, du lịch Hà Nội đang phát triển đúng định hướng, bền vững và có hiệu quả. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, háp dẫn ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Đặc biệt, Hà Nội đã được xếp hạng là 1 trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội đạt 23,83 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2016 và chiếm tới 27,1% cả nước.

2 tháng đầu năm 2018 này, khách du lịch đến Hà Nội tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2017 (tăng 11%), đạt gần 4,5 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng đến 31% so với cùng kỳ năm trước, còn khách nội địa đến Hà Nội cũng tăng 5,5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13.250 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2017.

Dù vậy, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cũng thẳng thắn chỉ ra, tốc độ tăng trưởng du lịch thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của du lịch Thủ đô. Hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao.

So với cả nước thì du lịch Hà Nội vẫn còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính hấp dẫn cao, thiếu các dịch vụ hỗ trợ, trong khi đó sản phẩm chủ đạo của thành phố là du lịch văn hóa vẫn chưa phát huy hiệu quả cao. Cùng đó, những yếu tố như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, thiếu các bãi đỗ xe… cũng đã ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Hà Nội.

“Với tất cả các giải pháp đã và đang triển khai, năm 2018, toàn ngành phấn đấu đón được số lượng khách du lịch đến Thủ đô là 25,4 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm 2017, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế, tăng 11%. Tổng thu từ khách du lịch trong năm nay phấn đấu đạt 75.783 tỷ đồng, tăng 7% so với 2017” – ông Trần Đức Hải nói.

Tuy nhiên, qua thảo luận, góp ý với Sở Du lịch, nhiều đại biểu trong đoàn công tác cho rằng, việc Sở Du lịch đặt chỉ tiêu tăng trưởng du lịch năm 2018 ở mức 7% so với 2017 là quá thấp, thậm chí có bước thụt lùi vì năm 2017 đã đạt được mức tăng trưởng 9% so với 2016.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho rằng, Nghị quyết 06 của Thành ủy đặt mục tiêu tăng trưởng du lịch Thủ đô năm 2018 là 10% và thực tế năm 2017 Hà Nội cũng đạt mức tăng trưởng 9% nên việc Sở Du lịch đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 7% là chưa ổn, cần xem xét lại.

Tương tự, chỉ tiêu tổng thu từ khách du lịch năm 2018 mà Sở Du lịch đặt ra ở mức 7% là thấp hơn mức đã đạt được năm 2017 (12%), như vậy thì không có nhiều động lực để phấn đấu.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở Du lịch phải rà soát lại các chỉ tiêu tăng trưởng với tinh thần phải quyết tâm cao. Đây là 1 trong 4 chuyên đề quan trọng toàn khóa của Thành ủy Hà Nội nên cần phải tập trung làm tốt, quyết tâm cao để triển khai hiệu quả nhất.

Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Nghị quyết 06 của Thành ủy đề ra chỉ tiêu tăng trưởng du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 phải đạt 8-10% mỗi năm. Năm 2017, Hà Nội đã đạt được tăng trưởng là 9% thì năm 2018 này, ít nhất Sở Du lịch phải đặt ra chỉ tiêu bằng với mức chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra chứ không phải thụt lùi.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Nhìn lại kết quả phát triển du lịch của thành phố vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy và 1 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội đã đạt được những kết quả rất tích cực, đáng ghi nhận. Thế nhưng các hạn chế, tồn tại thì cũng còn không ít.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở Du lịch Hà Nội cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 06, xem đây là nhiệm vụ lâu dài để có thể phát huy được các lợi thế rất lớn về du lịch của Thủ đô. Muốn vậy, trước hết Sở cần quán triệt một cách sâu sắc, nhận thức đầy đủ vai trò vị trí của ngành du lịch Thủ đô, triển khai đồng bộ cả 5 nhiệm vụ, quan điểm mà Nghị quyết 06 đã nêu ra.

Cùng đó, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô. Kết nối các doanh nghiệp du lịch cả trong nước lẫn quốc tế tạo thuận lợi cho khách du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch. Khai thác, quản lý và phát huy tốt hơn các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý “phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để cho ra được các sản phẩm du lịch văn hóa có đặc trưng của Hà Nội”.

Ngoài ra, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tập trung vào xây dựng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh với du khách; Thu hút mọi nguồn lực để phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng về nguồn nhân lực để phát triển ngành du lịch.

Có đến 79% khách du lịch quốc tế đến Hà Nội là khách tự tổ chức, chỉ 21% khách đi theo tour. Với khách nội địa, có tới 97-98% là khách tự tổ chức. Sản phẩm du lịch chủ đạo của Hà Nội là du lịch văn hóa (chiếm trên 70%), bao gồm du lịch gắn với di tích lịch sử, làng nghề, ẩm thực, các hoạt động văn hóa nghệ thuật…