Khắc phục những bất cập của lương hưu để phù hợp với cải cách tiền lương

ANTD.VN - Để khắc phục những bất cập về lương hưu, cơ quan quản lý cần đánh giá tác động khi xây dựng chính sách nhằm cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư thêm, đồng thời xử lý bất cập giữa thời điểm nghỉ hưu và cách áp dụng mức tính hưu.

Nhân viên bưu điện chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội cho người lao động

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội nghị xây dựng thể chế năm 2020, đặt ra nhiều vấn đề có tính chất then chốt trong lộ trình xây dựng chính sách pháp luật về an sinh xã hội. Số lượng văn bản phải xây dựng để ban hành, trình ban hành trong năm 2020 lớn gấp 2 lần trung bình hàng năm. 

Tổng số có 96 đề án, gồm: 1 dự án luật; 1 hồ sơ gia nhập công ước ; 46 nghị định, quyết định, báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 23 thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng và 25 đề án trong chương trình dự bị của Bộ.

Trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), dự thảo đề án gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)...

Với hàng loạt các vấn đề về xây dựng thể chế của ngành LĐ-TB&XH trong, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lưu ý các đơn vị cần tập trung xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, cải cách tiền lương của người nghỉ hưu, tiêu chí giảm nghèo bền vững, định hướng phát triển ngành.

Cải cách chính sách tiền lương, nhất là khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là việc điều chỉnh tiền lương cho người nghỉ hưu làm sao để cân đối được vào quỹ bảo hiểm và ngân sách đầu tư thêm, làm sao để giải quyết bài toán bất cập lương nghỉ hưu và cả những trường hợp nghỉ trước năm 1995… tất cả những chuyện đó phải được giải quyết thấu đáo.

Để phá được những "điểm nghẽn" đó cơ quan quản lý cần đánh giá tác động khi xây dựng chính sách nhằm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, thu hút ngân sách đầu tư thêm, xử lý bất cập giữa thời điểm nghỉ hưu và cách áp dụng mức tính lương hưu. Tuy nhiên, các phương án điều chỉnh lương hưu cũng phải phù hợp với việc cải cách tiền lương từ năm 2021.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội  Việt Nam, hiện, mức hưởng lương hưu giữa nhóm người cao nhất với nhóm người thấp nhất chênh lệch khoảng 100 lần.

Ngoài ra, theo các quy định hiện hành, những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm hoặc người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm, sau đó tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã, có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở sẽ không được bù đủ, để bằng mức lương cơ sở.

Do vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo quy định của Chính phủ những đối tượng này có mức lương hưu tiếp tục rất thấp.

Điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu góp phần giảm khoảng cách giữa người hưởng lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.