Kêu trời vì cắt điện

(ANTĐ) - Một loạt các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam lại bức xúc khi bị cắt điện liên tục trong suốt thời gian dài vừa qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh. Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 (TP Cần Thơ) hiện có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang hoạt động bị cắt điện liên tục. Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tình trạng cắt điện cũng diễn ra triền miên trong nhiều tháng qua.

Kêu trời vì cắt điện

(ANTĐ) - Một loạt các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam lại bức xúc khi bị cắt điện liên tục trong suốt thời gian dài vừa qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh. Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 (TP Cần Thơ) hiện có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang hoạt động bị cắt điện liên tục. Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tình trạng cắt điện cũng diễn ra triền miên trong nhiều tháng qua.

Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp than phiền vì chuyện cắt điện khiến công việc bị ảnh hưởng. Đầu tháng trước, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) từng phải làm công văn gửi tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiến nghị về việc giải quyết tình hình cung cấp điện không ổn định cho chế biến cá tra. Mạng lưới điện không ổn định kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu mua và chế biến lượng cá quá lứa tồn đọng trong dân, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Thời gian sản xuất kéo dài đã khiến sản lượng chế biến giảm đến 60-70%, giảm chất lượng sản phẩm, tăng chi phí sản xuất, máy móc thiết bị hư hỏng nhiều.

Khả năng không đáp ứng đủ điện cho các hoạt động của nền kinh tế đã được dự báo, đã và đang xảy ra, và có thể còn trầm trọng hơn nữa. Cơ quan duy nhất có thể trả lời và chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu điện là Tập đoàn Điện lực (EVN). EVN hiện là nhà mua buôn điện duy nhất lượng điện sản xuất ra của các đơn vị thuộc EVN cũng như ngoài EVN. Đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế là một trách nhiệm mà EVN phải tuân thủ, đồng thời EVN cũng được ưu tiên cung cấp vốn từ các nguồn ODA, vay các tổ chức tài chính quốc tế, vay thương mại trong và ngoài nước hay hàng loạt các lợi thế khác. Trong hầu hết các lý giải của mình, EVN đều giải thích việc thiếu điện là do các nhà máy điện đang xây dựng bị chậm, nhưng đó chỉ là lý do bên ngoài.

Công bằng mà nói, dưới góc độ doanh nghiệp, EVN phải mua điện từ các nhà máy điện độc lập, các nhà máy điện BOT với mức giá không dễ chịu chút nào. Trong khi đó, sản lượng điện mà EVN phải mua ngoài thì ngày càng tăng nhanh và hiện chiếm 50% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước. Năm 2006, tỷ suất lợi nhuận của ngành điện chỉ còn dưới 1%, được xem là thấp nhất từ trước tới nay đối với doanh nghiệp có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng như EVN.

Số lỗ của EVN là đáng chia sẻ, tuy nhiên, vai trò của một doanh nghiệp độc quyền Nhà nước trong một lĩnh vực năng lượng then chốt của nền kinh tế đất nước không thể cho phép chỉ xét về hiệu quả thuần túy của doanh nghiệp đó. Ai sẽ thông cảm cho hàng loạt doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh của họ bị đình trệ do cắt điện, và hậu quả của tình trạng này đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia?

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là do thiếu cạnh tranh. Và để tạo ra được một thị trường điện cạnh tranh, không thể để một doanh nghiệp - dù có là Tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước - nắm giữ mọi thứ trong tay, cả Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cả hệ thống truyền tải, phân phối và bán lẻ điện.

Anh Thư