Kê đơn thuốc vô tội vạ: Khó hiểu ngay trong quy định

ANTĐ - “Việc kê nhiều loại thuốc trong đơn thuốc có thể dẫn đến những loại thuốc bị giảm tác dụng khi uống cùng lúc, tăng độc tính, thậm chí dẫn đến phản ứng xuất huyết, suy tạng, tử vong…”

Sử dụng thuốc đúng cách, an toàn mà tiết kiệm là mong muốn của hầu hết bệnh nhân

Thuốc nhiều chưa chắc đã khỏi bệnh

Đây là nhận xét của bác sĩ Trần Thị Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai. Theo bác sĩ Hà, đáng chú ý là thực phẩm chức năng ngày càng được nhiều bác sĩ sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, trong khi theo đánh giá của Hội đồng Thuốc và Điều trị - Bộ Y tế, có đến nửa số thuốc trong những đơn này là không cần thiết.

Thậm chí có những đơn còn kê thuốc không tương ứng với tình trạng bệnh được chẩn đoán. Điều đáng nói là hiện nay việc bệnh nhân lựa chọn bệnh viện và phòng khám tư thay vì đến các bệnh viện công để khám và điều trị đang là xu hướng chung. Do phần lớn những bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám tư là những người có điều kiện kinh tế, nên nhiều khi các bác sĩ kê đơn theo kiểu “nhìn mặt, bốc thuốc”.

Khi khám bệnh, bác sĩ thường có những câu hỏi đại loại như: “Anh (chị) thấy trong người thế nào, có mệt mỏi không, ăn, ngủ có tốt không?”,... chỉ cần bệnh nhân trả lời “Tôi rất mệt mỏi” là ngay lập tức tên các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng sẽ có mặt trong đơn thuốc, trong khi thuốc điều trị bệnh lại không được các bác sĩ lưu tâm.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ tâm lý bệnh nhân, quan niệm càng dùng nhiều loại thuốc càng chóng khỏi bệnh khiến không ít bệnh nhân giao hẹn với bác sĩ trước khi họ kê đơn: “Bác sĩ cứ kê đơn thuốc tốt, nhiều loại thuốc bổ một chút”. Được lời như cởi tấm lòng, và bác sĩ  không ngại ngần “phóng bút”, thậm chí nhiều đơn thuốc đa phần là thuốc bổ và thực phẩm chức năng. Theo một cán bộ của Sở Y tế Hà Nội, theo quy định, bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, nhưng việc xét bác sĩ có sai hay không phải căn cứ vào đơn thuốc cụ thể. Nếu đúng đơn thuốc đó có thực phẩm chức năng, làm đội giá đơn thuốc của người bệnh thì có nghĩa bác sĩ đã kê sai quy định.  

Thông thường sau khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ cần hướng dẫn bệnh nhân tường tận cách dùng thuốc, giải thích rõ cho họ biết cách đưa thuốc vào cơ thể, nhất là đối với các loại thuốc đặc trị, đặc biệt đối với những bệnh nhân là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, đang cho con bú,...Song, hiện nay, việc tư vấn, hướng dẫn cách dùng thuốc cho bệnh nhân luôn bị các bác sĩ xem nhẹ. Chẳng vậy mà, sau khi dùng thuốc theo đơn của bác sĩ kê, chị Hoàng Hồng Hạnh, ở khu chung cư Trung Hoà- Nhân Chính, quận Cầu Giấy đã phải vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Sau khi hồi phục, chị Hạnh kể lại: “Được chẩn đoán bị viêm đại tràng cấp, tôi được bác sĩ kê 6 loại thuốc. Vừa uống được 2 hôm, tôi thấy người nôn nao, bải hoải hết chân tay, rồi bị ngất. May mà người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời…”

Trước tình trạng nhiều bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng trong đơn thuốc cho người bệnh điều trị ngoại trú, không đúng theo quy định của Bộ Y tế, thời gian qua Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chấn chỉnh kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú để có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy chế. Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định trong việc kê đơn thuốc vẫn ngày càng tăng.

Quy định vẫn còn bất hợp lý

Hiện nay, Nghị định 96/2011/NĐ-CP của Chính phủ có quy định khung hình phạt tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh là 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi kê đơn biệt dược không cần thiết nhằm thu hoa hồng từ các cơ sở kinh doanh thuốc sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Còn tại Quyết định 04/2008 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có quy định không kê đơn thuốc các trường hợp sau: Không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; Theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh; Thực phẩm chức năng.

Dược sĩ Nguyễn Thanh Nga - Viện Thực phẩm chức năng cho biết, theo quy chế của Bộ Y tế thì không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc để tránh hiện tượng bác sĩ ăn hoa hồng khi kê đơn thuốc. Tuy nhiên, quy chế cũng quy định, nếu bệnh nhân nằm viện nội trú, bác sĩ được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc,... Còn nếu bệnh nhân ngoại trú thì không được kê. Mặt khác, bác sĩ chỉ được phép kê đơn vào phiếu bổ sung hoặc khuyến cáo có thực phẩm chức năng. Hiện nay, nhiều người không biết đâu là thực phẩm chức năng, đâu là thuốc, nên cứ thấy bác sĩ cho đơn là mua hết. 

Thậm chí, hiện nay theo quy đinh, khi kê đơn thuốc, bác sĩ nên dùng tên gốc hay tên chung quốc tế (còn gọi là tên dược chất) kèm theo tên biệt dược đặt trong dấu ngoặc. Chẳng hạn như kê tên gốc Paracetamol (thuốc giảm đau hạ nhiệt) rồi mở ngoặc các biệt dược (hoặc Panadol, hoặc Decolgen, hoặc Efferalgan). Ðiều này giúp thầy thuốc tránh ghi trong đơn 2 loại thuốc cùng chứa một loại dược chất có thể dẫn đến hậu quả quá liều cho bệnh nhân. Tuy quy định là vậy, nhưng thực tế, rất ít đơn thuốc tuân thủ việc ghi tên gốc, vì tốn thời gian, trong khi đó bác sĩ thường “phóng bút” kê một loạt các tên biệt dược khác nhau trong đơn thuốc. 

Theo Giám đốc một Bệnh viện lớn tại Hà Nội, lựa chọn thuốc phù hợp với người bệnh là một tiêu chí rất quan trọng của bác sĩ. Việc kê đơn thực phẩm chức năng kể cả trong phiếu bổ sung là điều không cần thiết bởi, đó không phải là thuốc.  Hiện nay, nhiều bệnh viện đã nghiêm cấm kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc dưới mọi hình thức. Ngay trong đơn thuốc cũng có quy định phải ghi tên thuốc gốc, không được ghi tên thương mại, vì vậy, việc có nên kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, thậm chí là đơn thuốc bổ sung hay không cần được Bộ Y tế làm rõ. Một đơn thuốc dù có ít hay nhiều loại thuốc thì tiêu chí hiệu quả, an toàn và kinh tế vẫn luôn phải được tôn trọng, từ đó làm cơ sở lựa chọn các loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể, bằng không, người chịu thiệt thòi vẫn là người bệnh