Israel: Đất nước nhỏ bé của những điều kỳ diệu

ANTD.VN - Tổng thống Israel Reuven R. Rivlin và phu nhân đã đến Việt Nam bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức cấp Nhà nước từ ngày 19 đến 25/3/2017.

Tổng thống Israel sang thăm chính thức Việt Nam

Theo Thông tấn xã Việt Nam, chiều 19/3/2017, Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 - 25/3/2017, theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang.

Danh sách Đoàn chính thức tháp tùng Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam gồm: Bà Nechama Rivlin, Phu nhân Tổng thống; bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam; ông Harel Tubi, Tổng Vụ trưởng Văn phòng Tổng thống; ông David Saranga, Cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại; ông Boaz Hershkovitz, Cố vấn quân sự của Tổng thống; bà Rivka Ravitz, Chánh văn phòng Tổng thống; bà Mira Ratzabi, Cố vấn cấp cao của Tổng thống.

Chuyến thăm của ông Reuven Ruvi Rivlin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Israel phát triển trên tất cả các lĩnh vực và đang thu được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, an ninh, khoa học-công nghệ..., trong đó hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên.

Trọng tâm chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-25/3 của Tổng thống Israel là tăng cường hợp tác trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay; đồng thời củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam - Israel, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, Việt Nam và Israel không ngừng duy trì trao đổi đoàn các cấp, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Israel Shimon Peres (2011) và chuyến thăm chính thức Israel của Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải (2015).

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tháp tùng Tổng tống Reuven Ruvi Rivlin có đoàn lãnh đạo cấp cao và đoàn doanh nghiệp gồm 35 công ty đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Israel trong các lĩnh vực: Công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ nông nghiệp, công nghệ nước, cao su, máy lọc nước, y tế, giáo dục…

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Reuven R. Rivlin sẽ diễn ra cuộc tọa đàm giữa doanh nghiệp Việt Nam và 30 doanh nghiệp hàng đầu của Israel vào sáng 21/3, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước.

Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin  

Nội dung buổi tọa đàm chú trọng tới các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, sản xuất vũ khí… Dự kiến qua cuộc tọa đàm này, sẽ có một số thỏa thuận hợp tác được ký kết, trong đó khả thi nhất là Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển giữa Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia Việt Nam và Cơ quan đổi mới công nghệ quốc gia Israel.

Ngoài ra, hai nước sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện dự án tổ hợp y tế - chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ cao diễn ra vào 17h ngày 21/3 tại Hà Nội.

Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác lớn trên lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin, quốc phòng.

Giới thiệu khái quát về đất nước Israel

Israel là một quốc gia Trung Đông, nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, phía Bắc giáp Lebanon, Đông Bắc giáp Syria, phía Đông giáp Jordan, Nam và Tây Nam giáp biển Đỏ và Ai Cập, phía Tây giáp Địa Trung Hải.

Israel có diện tích bằng khoảng 1/16 Việt Nam, tổng diện tích 20.770km2, kể cả Đông Jerusalem, với dân số khoảng 7,112 triệu người (tính đến tháng 6/2006), ngôn ngữ chính thức là tiếng Do thái (Hebrew); còn tiếng Ả-rập và tiếng Anh được sử dụng rộng rãi; số lượng người Do thái giáo chiếm 80%, Hồi giáo là 14,6%, Cơ đốc giáo chỉ chiếm 2,1%.

Israel hiện là thành viên của Liên Hiệp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác, thành viên liên kết của một số tổ chức Châu Âu, không tham gia các tổ chức Châu Á.

Với vị thế là một quốc gia rất nhỏ nẳm ở giữa thế giới Ả rập, Israel đã không ngừng củng cố vị thế của một nước nhỏ nằm giữa thế giới Hồi giáo, bằng cách mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Hiện nay Israel có quan hệ ngoại giao với trên 160 nước, nhưng đối tác chiến lược là Mỹ.

Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ qua, quan hệ chính trị giữa Israel với Liên minh Châu Âu giảm sút đáng kể. Một số thành viên EU, đặc biệt là Pháp, nghiêng về phía Ả rập, gây nên bất bình của Israel, ảnh hưởng tiêu cực đói với việc thúc đẩy Lộ trình Hòa bình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Shimon Peres trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Israel đến Việt Nam năm 2011

Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi, đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng ít ỏi, chỉ có ít Potash, quặng đồng, phốt phát dạng đá, bromide ma-nhê, đất sét..., nhưng với ngành công nghệ cao và khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế.

Mặc dù nhưng Israel là quốc gia có nền kinh tế phát triển, tăng tưởng ổn định, với nền khoa học-công nghệ phát triển rất mạnh.

Năm 2016, GDP của Israel ước đạt 311.739 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng 2,5%, tỷ lệ GDP đầu người là 36.023 USD. Cơ cấu nền kinh tế của Israel là nông nghiệp chiếm 2,8%; công nghiệp 37,7% và dịch vụ chiếm 59,5%.

Ở đất nước này, giáo dục và khoa học công nghệ, đặc biệt là nền kinh tế tri thức và chính sách kinh doanh “khởi nghiệp” đặc biệt được chú trọng. Do đó, mặc dầu chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới nhưng đất nước này lại đóng góp đến 23% các nhà khoa học đã đoạt giải Nobel.

Israel ngày nay là một trong 10 quốc gia phát triển nhất thế giới và luôn nằm trong Top 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Ngoài thế mạnh về quốc phòng, Israel còn là nước có ngành khoa học công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới với 3 ngành xuất khẩu mũi nhọn: công nghệ, hóa học, và kim cương.

Các ngành xuất khẩu chính là kim cương đã chế tác, thiết bị công nghệ cao, vũ khí, phần mềm tin học, hóa chất, dệt may...; nhập khẩu ngũ cốc, dầu thô, nguyên liệu, thiết bị quân sự, kim cương thô..., với các bạn hàng chính là Mỹ, Bỉ, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Italia, Hồng Công (TQ)...

Không chỉ mạnh về khoa học - công nghệ, Israel còn là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới về nông nghiệp, công nghiệp.

Trong đó, tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đứng thứ 2 về số lượng các công ty công nghệ thông tin, chỉ sau thung lũng Silicon của Hoa Kỳ.

Đáng ngạc nhiên là mặc dù là một nước chủ yếu là sa mạc nhưng Israel có nền kinh tế nông nghiệp phát triển rất mạnh. Mặc dù số lượng hàng hóa làm ra không phải là cao nhưng giá trị của nó vô cùng lớn, vượt xa rất nhiều các quốc gia có điều kiện phát triển nông nghiệp tốt nhất trên thế giới.

Trong kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về quan hệ hợp tác kinh tế và quân sự giữa Việt Nam với Israel.