Ì ạch đề án rau an toàn

(ANTĐ) - Được phê duyệt vào năm 2009, đề án phát triển rau an toàn trên địa bàn TP đến năm 2015 với kinh phí dự toán khoảng 1.000 tỷ đồng, mở ra hy vọng cho người tiêu dùng cũng như nông dân trồng rau. Tuy nhiên, đến nay, qua 1 năm triển khai, nhiều người tỏ ra băn khoăn, đề án có về đích đúng hẹn?

Ì ạch đề án rau an toàn

(ANTĐ) - Được phê duyệt vào năm 2009, đề án phát triển rau an toàn trên địa bàn TP đến năm 2015 với kinh phí dự toán khoảng 1.000 tỷ đồng, mở ra hy vọng cho người tiêu dùng cũng như nông dân trồng rau. Tuy nhiên, đến nay, qua 1 năm triển khai, nhiều người tỏ ra băn khoăn, đề án có về đích đúng hẹn?

Người tiêu dùng chờ đợi đề án rau an toàn đi vào thực tế
Người tiêu dùng chờ đợi đề án rau an toàn đi vào thực tế

Chậm tiến độ

Theo mục tiêu tại đề án rau an toàn (RAT) đề ra, đến năm 2010, diện tích RAT trên toàn thành phố sẽ là 2.400-2.500ha và đến năm 2015 đạt 5.000-5.500ha. Tuy nhiên, tính đến tháng 8-2010, toàn thành phố mới có 16 dự án xây dựng vùng RAT tập trung đang trình các Sở và UBND TP với tổng diện tích 1.925ha, trong đó có 3 dự án với 187ha được TP phê duyệt, 6 dự án khác tại huyện Đông Anh đã trình các ngành và TP, song do vướng mắc về quy hoạch khác nên phải dừng lại, không triển khai tiếp được. Đặc biệt, đến thời điểm này, toàn thành phố mới có hơn 300ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, kém xa so với chỉ tiêu đưa ra.

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này, theo Sở NN&PTNT là do vướng mắc trong khâu phân công cán bộ lập dự án tại các địa phương; do chưa thống nhất về nguồn nước. Các nguyên nhân về vướng quy hoạch, vướng thu hồi, giải phóng mặt bằng cũng khiến cho các dự án không theo kịp tiến độ. Đặc biệt, Sở NN&PTNT cho biết, nhiều dự án do cán bộ trực tiếp lập dự án không sâu sát đã dẫn đến tình trạng, dự án trình lên nhưng không được xem xét duyệt.

Cụ thể như, dự án tại Tráng Việt, Mê Linh dù đã trình lên từ tháng 1-2009 nhưng do không phân công nhiệm vụ rõ ràng, cán bộ thực hiện không nắm vững trình tự thủ tục dự án, nên đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Hay, dự án tại Tân Phú, Quốc Oai, UBND huyện cũng đã trình từ cuối năm 2009, nhưng do không bám sát hồ sơ, gần như giao khoán trắng cho đơn vị tư vấn nên vẫn chưa được quyết định phê duyệt đầu tư…

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, một nguyên nhân quan trọng nữa là các địa phương còn lúng túng trong việc thẩm định, phê duyệt dự án. Tại các huyện, lãnh đạo chưa thật sự sâu sát và quyết liệt trong việc đề xuất phương án khắc phục. Những khó khăn về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giữa các huyện với các sở, ngành chưa được chặt chẽ và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát chất lượng chưa sát sao nên sản phẩm vẫn khó tiêu thụ. “Những vấn đề này, nếu không được tập trung tháo gỡ thì đề án vẫn chỉ là đề án” - Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng nhận định.

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và nông dân

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ, chính sách thu hút nông dân cũng như mối liên hệ giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân còn chưa được quan tâm đầy đủ. Ông Phạm Văn Khương - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nêu quan điểm, người nông dân làm ra sản phẩm thì chỉ quan tâm tới việc bán ở đâu, giá cả thế nào. Vì vậy, thị trường nào tốt thì họ sẽ theo. Do đó, khi đầu tư vào lĩnh vực này, DN cũng phải hiểu nông dân, phải chia sẻ lợi ích với nông dân thì dự án mới thành công được.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ nhiệm HTX NN Đặng Xá, Gia Lâm cho rằng, không ít DN, khi đầu tư vào lĩnh vực RAT không mặn mà, hoặc đầu tư theo nghĩa vụ, hay quá chú trọng đến lợi ích của DN mà bỏ quên lợi ích của nông dân. Do đó, không thu hút được nông dân tham gia.

Nhận định về tiến độ thực hiện đề án, Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng cho hay, hiện các dự án mới đi được 1/3 quãng đường, đó là mới dừng ở khâu xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn về hình thức tổ chức, giám sát quy trình sản xuất, lợi ích của người dân và xã hội thì chúng ta chưa quan tâm.

Vì thế, các DN và địa phương cần chấn chỉnh và xây dựng dự án theo mô hình khép kín. Tới đây, những dự án không xây dựng được quy trình sản xuất khép kín thì UBND TP sẽ yêu cầu dừng triển khai. Mặt khác, Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng yêu cầu: “Trong thời gian tới, mỗi huyện phải chọn ít nhất 1 dự án để thực hiện. Nếu khó thì phải lập tức tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, cung cấp nông sản an toàn cho người dân trên địa bàn Thủ đô”.

Ngân Tuyền