Huyện Phú Xuyên và Ban Dân tộc TP Hà Nội có chỉ số Cải cách hành chính thấp nhất

ANTD.VN - Hà Nội công bố Chỉ số Cải cách hành chính 2016, với các sở ngành quận huyện. Theo đó, huyện Phú Xuyên và Ban Dân tộc thành phố có chỉ số Cải cách hành chính 2016 thấp nhất...

Cán bộ tiếp dân tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Long Biên là đơn vị đứng đầu các quận huyện về Chỉ số Cải cách hành chính 2016

Ngày 28-7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức công bố Chỉ số Cải cách hành chính các sở ngành, quận huyện. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chấm điểm cải cách hành chính với các sở ngành, quận huyện.

Đề đánh giá thực chất khách quan, TP đã ban hành các chỉ số cụ thể để chấm điểm về CCHC. Nhấn mạnh đây là công cụ, cách quản lý mới.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng khẳng định, kết quả Chỉ số CCHC 2016 phản ánh tương đối khách quan, trung thực kết quả thực tế của các sở, cơ quan ngang sở, các quận huyện, thị xã. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp các cơ quan đơn vị biết được mặt mạnh, mặt yếu trong công tác cải cách hành chính, từ đó điều chỉnh, nâng cao chất lượng CCHC.

Chỉ số CCHC với các sở, cơ quan ngang sở gồm 9 lĩnh vực, 36 tiêu chí, 103 tiêu chí thành phần. Với các quận huyện là 9 lĩnh vực, 39 tiêu chí, 119 tiêu chí thành phần.

Kết quả, năm 2016, chỉ số CCHC của Sở Tài chính cao nhất trong khối các sở, cơ quan ngang sở khi đạt 91,12 điểm/100. Các đơn vị thấp nhất gồm có: đứng thứ 19 là Sở Ngoại vụ 81.06 điểm; đứng thứ 20 là Thanh tra thành phố với 78,42 điểm; xếp thứ 21 là Sở Văn hóa và thể thao (77,50 điểm); xếp cuối là Ban Dân tộc thành phố (76,14 điểm)

Trong 30 đơn vị quận huyện, quận Long Biên đứng đầu chỉ số CCHC khi đạt 93,47 điểm. Huyện Phú Xuyên xếp cuối với số điểm là 77,30 điểm.

Hầu hết các cơ quan đơn vị có kết quả thấp tại một số tiêu chí như nội dung về tinh giản biên chế, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo vị trí việc làm được phê duyệt, giải quyết hồ sơ hành chính cấp độ 3.

Theo Giám đốc sở Nội vụ, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong việc triển khai xác định Chỉ số Cải cách hành chính năm 2016, Hà Nội sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí. Theo đó, thành phố sẽ đánh giá, chấm điểm thêm các đội tượng là Trưởng, phó phòng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã và đặc biệt là đội ngũ công chức thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân.

Thành phố Hà Nội cũng đã khảo sát đánh giá sự hành lòng của người dân với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Kết quả: 67,80% số người được hỏi hài lòng về nhóm dịch vụ hành chính trong lĩnh vực lao động việc làm; lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp là 84,41%; lĩnh vực người có công là 81,44%; lĩnh vực Bảo trợ xã hội là 73,89%.

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã ban hành 22 Quyết định công bố TTHC. Các Quyết định công bố đều được ban hành đúng quy trình theo quy định. Tính đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1.839 (trong đó, Sở là 1.392 TTHC, cấp huyện là 298 TTHC, cấp xã là 149 TTHC). Các Ban Đảng của Thành ủy cũng tích cực rà soát các thủ tục tại từng Ban. Ban Tổ chức Thành ủy rà soát, rút từ 23 thủ tục xuống còn 04 bộ mới gồm 17 thủ tục....

Thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 Sở và tương đương, sau sắp xếp, giảm từ 204 phòng xuống 158 phòng (giảm 46 phòng), giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Số trưởng, phó phòng dôi dư được giảm dần trên cơ sở nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp. Thành phố thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã.

Cùng với việc sắp xếp các cơ quan hành chính, Thành phố đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở giảm từ 401 xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%). Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%).

Thành phố sắp xếp xong 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố thành 05 Ban Quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND Thành phố, 03 Ban Quản lý dự án thuộc Sở, 03 Ban Quản lý dự án đặc thù và 30 Ban Quản lý dự án khu vực thuộc Quận, huyện, thị xã. Hoàn thành sáp nhập 03 Quỹ: Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, Quỹ Phát triển đất Thành phố, Quỹ bảo về môi trường thành 1 đơn vị.

Sự nỗ lực, cố gắng của Thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội và Công an Thành phố trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư. Hà Nội trong nhóm 4 Thành phố có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương.